Nam Định phấn đấu xây dựng đô thị văn minh, xanh sạch đẹp
Một góc đô thị Nam Định xanh sạch đẹp.
Nam Định những năm gần đây có tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh. Không gian đô thị được mở rộng, nhiều công trình hiện đại, trung tâm thương mại, khu đô thị được xây dựng mới, nhiều tuyến phố, trục đường trung tâm và công viên chỉnh trang. Bước chân trên các con đường, tuyến phố xanh - sạch - đẹp, người dân Nam Định tràn đầy tự hào, còn du khách ấn tượng, hào hứng tìm các địa điểm đẹp để check-in.
Chung tay bảo vệ môi trường
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được chính quyền quan tâm, với nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần tích cực tạo chuyển biến nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo đó, hàng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và các sự kiện liên quan, như: Ngày nước sạch thế giới (23/3), Ngày môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (20/9)... được triển khai sâu rộng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường gắn bó với thiên nhiên.
Các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch, quy chế thu gom, vận chuyển rác thải và tổ chức thực hiện đồng bộ theo quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư và các hộ dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình tự quản bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng ở từng thôn, tổ, khu dân cư.
Điển hình, hơn một năm nay, người dân ở xóm 13, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng đã thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN). Ở góc sân mỗi nhà, có một hố rác hữu cơ đậy nắp kim loại chắc chắn để ủ phụ phẩm nông nghiệp hay các đồ ăn thừa, với sự hỗ trợ của chế phẩm sinh học. Cuối năm 2020, 250 hộ dân tại hai xóm thực hiện thí điểm PLRTTN của xã Nghĩa Thái được huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ kinh phí mua nắp đậy và chế phẩm sinh học. Ðầu năm 2021, xã tiếp tục đầu tư thêm thùng đựng và chế phẩm sinh học cho 700 mô hình. Riêng đoạn đường trục xã dài 4 km ở khu thị tứ, xã đặt 140 thùng rác hữu cơ và vô cơ để hỗ trợ người dân không có diện tích sân, vườn.
Hội viên nông dân xóm Tư 2, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản tham gia tổng dọn vệ sinh đường làng.
Việc PLRTTN giúp giảm từ 40 đến 50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung, giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp và nâng cao hiệu quả các lò đốt rác. sau khoảng hơn một năm triển khai, toàn tỉnh đã có 141 trong số 226 xã thực hiện mô hình PLRTTN. Hiện, có một số mô hình nổi bật, đang được áp dụng hiệu quả trên địa bàn Nam Định như: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); "Hố rác hữu cơ di động" ở xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực), xã Yên Cường (huyện Ý Yên); "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" ở xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng)… Nhiều địa phương đã xây dựng Ðề án PLRTTN, phấn đấu đến năm 2024 có tất cả các xã, thị trấn thực hiện mô hình này.
Ngoài ra, ở nhiều địa phương, nhân dân còn cùng với chính quyền xây dựng, bảo vệ, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, các điểm thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; thực hiện không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không đổ phế thải sai quy định; duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh, làm sạch, đẹp, khang trang phố phường, đường làng, ngõ xóm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn cũng được cải thiện. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt; 106 xã, thị trấn lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt 88,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 92,6%. Số hộ gia đình có các công trình vệ sinh đạt yêu cầu chiếm tỷ lệ cao; trên 3.000 khu dân cư không có ô nhiễm môi trường.
Việc tự mình góp sức xây dựng đô thị văn minh, xanh sạch đẹp khiến người dân nâng cao tinh thần tự giác thực hiện những mục tiêu chung, trong đó có vấn đề về rác thải và bảo vệ môi trường. Ở nhiều địa phương, việc giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, "nhà sạch, vườn xanh, đường có điện, có hoa, sông không rác" đã trở thành phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp, thậm chí được đưa vào quy ước, hương ước của thôn, xóm, làng xã.
Vì một Nam Định xanh, đáng sống
Không chỉ người dân, các hội, nhóm tích cực phát động các phong trào bảo vệ môi trường, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tham gia các hoạt động mang lại môi trường xanh như: thiết kế khuôn viên cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, khuyến khích các trường tiểu học xây dựng thư viện xanh ngoài trời theo mô hình Room to Read thân thiện… Đến nay rất nhiều trường đã thiết kế được khuôn viên xanh - sạch - đẹp đem lại môi trường giáo dục tốt, an toàn và hài hòa với thiên nhiên.
Người dân xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định tích cực tham gia mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình".
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục môi trường còn được thực hiện thông qua hoạt động làm đồ dùng tái chế từ các vỏ đồ hộp, giấy bìa loại, vật dụng cũ..., tham gia hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Qua đó, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Nam Định đặt ra mục tiêu đến năm 2024 có 100% quận, huyện, phường, xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng phường văn minh đô thị và lựa chọn xây dựng các tuyến đường, tuyến phố văn minh đô thị, xanh sạch. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thực hiện đủ 9 tiêu chí về quy hoạch, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, đời sống văn hóa, thể thao...
Thời gian tới, Nam Định sẽ triển khai các khu xử lý chất thải rắn quy mô vùng huyện, liên huyện theo quy hoạch chất thải rắn vùng tỉnh đã được phê duyệt; tích cực lan tỏa mô hình PLRTTN, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại, thu gom rác thải gắn với tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nhìn lại những thành tựu của 10 năm xây dựng NTM, Nam Ðịnh tin tưởng bằng sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân, tỉnh sẽ từng bước tăng cường hiệu quả xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, gìn giữ khung cảnh yên bình, sạch đẹp của những miền quê đáng sống.
Nguyễn Hoa