Nâng cao nhận thức của các nhà khoa học nữ về sở hữu trí tuệ
Tại Việt Nam, cộng đồng nhà khoa học nữ ngày càng có đóng góp quan trọng vào hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài, giải pháp có giá trị thực tiễn. Tuy nhiên việc thương mại hóa các đề tài nghiên cứu, giải pháp hữu ích còn thấp cho thấy công tác nâng cao hoạt động sở hữu trí tuệ trong cộng đồng các nhà khoa học nữ là rất quan trọng.
Những năm qua, nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Rất nhiều đề tài ở các lĩnh vực khác nhau do nữ trí thức chủ trì ở quy mô quốc gia, cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố được triển khai thực hiện đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững đất nước. Khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Một trong những chính sách đó là Đề án 939/QĐ-TTg về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án. Các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng chú trọng triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ phối hợp với các tổ chức của nữ giới.
Từ năm 2011, Chính phủ bắt đầu ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới theo giai đoạn 10 năm. Hiện nay, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các mục tiêu về chính trị, kinh tế - lao động, gia đình, y tế, giáo dục -đào tạo, thông tin - truyền thông.
Trong các giai đoạn sắp tới khi khoảng cách giới trong vấn đề an sinh xã hội được thu hẹp thì lĩnh vực khoa học, công nghệ nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ cần được đẩy mạnh hơn để tạo cơ hội phát triển và đem lại lợi ích cho phụ nữ. Để thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, chính sách để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, chỉ có 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ.
Ở Việt Nam, khó khăn trong việc tăng cường sở hữu trí tuệ đối với các nhà khoa học nữ, trong hoạt động khoa học nữ chiếm 50% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. mặc dù sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học
Sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn đối với các nhà khoa học trong việc đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ.
Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong những năm gần đây luôn đứng đầu về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích và chiếm tỉ lệ lớn ở Việt Nam, có khoảng 40 - 50 sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp bằng hàng năm. Đặc biệt, trong năm 2021, các đơn vị thuộc Viện hàn lâm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 63 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích trên tổng số 340 văn bằng thuộc chủ sở hữu người Việt, chiếm 18,5% thị phần về Sáng chế và Giải pháp hữu ích tại Việt Nam do người Việt Nam là chủ bằng. Tổng số văn bằng Viện hàn lâm hiện đứng chủ sở hữu 345 văn bằng (theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ). Kết quả của hàng nghìn nghiên cứu cũng là nguồn phong phú đề gia tăng tài sản trí tuệ được bảo hộ ở Việt Nam trong thời gian tới. Viện cũng đã được nhân giải thưởng “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (hạng mục tổ chức nghiên cứu Chính phủ) của tổ chức cơ sở dữ liệu KHCN nổi tiếng thế giới Clarivate, Vương quốc Anh trong 2 năm liên tục (2020 và 2021). Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có một đội ngũ nữ khoa học đông đảo. Nhiều sản phẩm của các chị có giá trị thương mại hóa cao nhưng phần bảo hộ trí tuệ còn đang gặp những khó khăn nhất định, trong đó có những thách thức từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó còn có thách thức từ rào cản chính sách trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Việc thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (như định giá kết quả nghiên cứu, trách nhiệm, thẩm quyền thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giao quyền đối với tài sản là kết quả nghiên cứu…) đã dẫn đến vướng mắc trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Điều này còn cản trở hoạt động của các tổ chức trung gian làm cầu nối cho chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn rào cản của chính sách, những thách thức từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học nữ của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm tốt viêc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ cho đời sống,
Trao đổi với GS.TS. Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm hóa, lọc dầu về vai trò của sở hữu trí tuệ, cả hai giáo sư đều khẳng định, sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng, nhất là trong nền kinh tế hiện nay và hội nhập quốc tế. Nếu không quan tâm đến sở hữu trí tuệ thì những sáng chế, giải pháp hữu ích sẽ chỉ là trên giấy, không phát triển được sản phẩm mới. Và khi đã đăng ký sở hữu trí tuệ, có bản quyền thì cần phải thương mại hóa những kết quả nghiên cứu đó để góp phần phát triển kinh tế và phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên khi đã đăng ký sơ hữu trí tuệ phải qua nhiều khâu thẩm định và còn phải đầu tư công sức, trí tuệ, tiền bạc, biến thành sản phẩm cụ thể thì mới có nhà đầu tư đứng ra mua lại, sản phẩm mới có giá trị gia tăng…
Hai Giáo sư đề xuất cần phải mở lớp tập huấn, cập nhật thông tin cho các nữ khoa học trẻ về sở hữu trí tuệ; cũng cần rèn luyện tính kiên trì, đeo đuổi đến cùng để có được bản quyền về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó. Và một điều nữa là nên có quỹ để các nữ khoa học có thể tiếp tục triển khai kết quả nghiên cứu, có bản quyền sở hữu trí tuệ và hoàn thiện thành sản phẩm để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và thương mại hóa sản phẩm.