Nghề báo, nhà báo – Cần nhất là nhiệt huyết và đam mê
* Biết ơn cuộc đời
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không bao giờ ân hận khi nghề báo đã chọn tôi. Tôi cũng biết ơn cuộc đời này đã cho tôi những tháng ngày sống đầy đam mê, nhiệt huyết với nghề báo.
TS. Nhà báo Phạm Mỵ |
Tôi bước chân vào làng báo khi vừa tốt nghiêp một ngành học không liên quan gì đến nghề báo: Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tôi được phân công về Thông tấn xã Việt Nam – một trong bốn cơ quan báo chí lớn của quốc gia. Và chỉ hai tháng sau khi về cơ quan Thông tấn, tôi đã có mặt ở Campuchia. Chưa có kỹ năng làm báo và cũng chưa hiểu bao nhiêu về nghề báo nhưng tôi được điều động đi cùng các nhà báo chuyên nghiệp. Cứ thế tôi được các anh chị đi trước dạy cho về nghề đúng là theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và tôi thật sự thích, đam mê và tâm huyết với nghề báo. Khi từ Campuchia trở về tôi được theo học lớp báo chí do Thông tấn xã Việt Nam mở cho các nhà báo đã tốt nghiệp ở các đại học khác nhau về làm báo chung trong mái nhà Thông tấn. Năm tháng cứ trôi qua, từ thực tiễn công việc tôi đã học thêm nhiều bằng cấp khác nhau để phục vụ tốt hơn cho mình trong nghề báo. Tôi đã được cử đi học Thạc sĩ báo chí truyền thông ở Australia. Trở về Việt Nam đúng lúc báo chí trong nước phát triển mạnh mẽ, tôi được phân công về công tác ở báo Việt Nam News. Rồi từ báo Việt Nam News - Thông tấn xã Việt Nam tôi đã chuyển qua các cơ quan báo chí khác và đã trưởng thành là Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập cho đến nay.
Với tôi sự tâm huyết và đam mê là điều kiện cần thiết số một trong nghề báo. Các bạn trẻ hay gọi tôi là “cây đa, cây đề” trong làng báo chí Việt Nam, nhưng đó chỉ là cách nói thôi. Còn theo tôi dù ở tuổi nào, ở cơ quan báo chí nào mà nếu mình không đam mê, tâm huyết, không tự học tập vươn lên thì cũng khó mà tồn tại, chưa nói là phát triển. Cũng vì tâm huyết và đam mê, với sự cho phép của Hội Nhà báo Việt Nam, một số chị em chúng tôi ở nhiều cơ quan báo chí đã cùng nhau thành lập nên CLB Nhà báo nữ Việt Nam, với mong muốn tạo ra một sân chơi nghiệp vụ cho chị em nhà báo nữ. Đây thực sự là mái nhà chung để chúng tôi cùng sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống, gia đình, sự nghiệp, bởi hơn ai hết chúng tôi hiểu, với các nhà báo nữ, hai vai gia đình và sự nghiệp đều nặng như nhau. Ngày ra mắt CLB Nhà báo nữ Việt Nam là dấu mốc đáng nhớ nhất với chúng tôi.
Sau dấu mốc đầu tiên này, với sự nhiệt huyết của các chị em trong Ban Chủ nhiệm và nỗ lực của tất cả các nhà báo nữ (NBN) ở các báo Trung ương và các nhà báo nữ ở các Câu lạc bộ địa phương, chúng tôi đã tạo được những sự kiện đáng nhớ:
- Tổ chức các chuyến đi thực tế cho NBN tại Khu mỏ Quảng Ninh, đến với cán bộ công nhân đang trên đường Hồ Chí Minh, đến với Khu di tích lích sử Quốc gia ngã ba Đồng Lộc – nơi 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười chín đôi mươi đã ngã xuống; đến với các vùng Tây Bắc, Việt Bắc xa xôi; đến với nhiều đơn vị bộ đội, đặc biệt là nhiều nhà báo nữ đã đến thăm và tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa…
- Tổ chức các cuộc thi nấu ăn cho NBN với sự tham gia rất nhiệt tình và hào hứng của các nhà báo nữ.
- Tổ chức cuộc thi Giọng hát hay các nhà báo nữ năm 2007 nhân kỷ niệm 5 năm thành lập CLB Nhà báo nữ Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà báo nữ trong cả nước. Và sau này CLB NBN Hà Nội cũng đã tổ chức cho các nhà báo nữ của Hà Nội, của Trung ương ...
- Tổ chức kỷ niệm 10 năm, 15 năm và 20 năm thành lập với nhiều hoạt động phong phú, tạo được ấn tượng và sức lan tỏa lớn trong giới báo chí và trong toàn xã hội.
- Xuất bản đặc san Bút nữ - ấn phẩm được không chỉ các nhà báo nữ yêu thích mà cũng đã chiếm được tình cảm của nhiều bạn đọc gần xa; xây dựng trang website của nhà báo nữ có địa chỉ nhabaonu.com.vn…
Không tâm huyết, không đam mê, làm sao chị em chúng tôi có thể làm nên những “kỳ tích” như vậy?
Tác nghiệp tại Trường Sa năm 2007 |
Tác nghiệp tại khu mỏ Brazil |
Tặng quà cho cựu nữ thanh niên xung phong ở Thanh Hóa |
u |
Tác nghiệp ở Điện Biên |
* Vẫn còn đó những băn khoăn, day dứt
Hiểu rằng đam mê và tâm huyết là điều kiện tiên quyết để dấn thân vào nghề báo, nên tôi luôn băn khoăn day dứt với một số thực trạng về nghề báo, nhà báo hiện nay.
Điều tôi trăn trở nhất đối với sự phát triển của báo chí hiện nay là sự đam mê và tâm huyết với nghề báo của nhiều nhà báo là rất ít. Phải có đam mê, tâm huyết thì mới dấn thân mới tạo ra được những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống và mới có thể tìm tòi, phát hiện ra những điển hình tiên tiến cũng như phát hiện những việc làm sai trái để phản ánh, xây dựng. Tính nhân văn, trung thực là phẩm chất cần có của các nhà báo nhưng trên thực tế đó đây vẫn có nhà báo vì lợi ích cá nhân mà vi phạm đạo đức của người làm báo. Trong thời đại số hóa cùng với công nghệ AI như hiện nay đòi hỏi các nhà báo và các cơ quan báo chí phải thực sự thay đổi để đáp ứng kịp với xu thế mới này, tuy nhiên nền tảng kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất của nhà báo còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn trong việc thay đổi đó. Bản thân là một nhà báo nữ, tôi cũng rất trăn trở với điều kiện làm nghề của chị em. Mặc dù, với thế mạnh về giới của các NBN cộng với bản lĩnh và trái tim nhạy cảm trong nghề nghiệp, họ đã tạo nên dấu ấn trong thực tiễn và những thành công trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, với các NBN, thì cả hai vai đều nặng: hoạt động nghề nghiệp và giữ ấm ngọn lửa gia đình. Vai nọ đè nặng lên vai kia. Nhiều chị em khi không cân bằng được cả hai vai thì đã chịu thiệt thòi lớn: hoặc là khó phát triển được nghề nghiệp, hoặc là hạnh phúc gia đình không vẹn tròn. Tuy nhiên, đại đa số chị em vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, trở thành những nhà báo tài năng và vẫn thực hiện tốt thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Có được thành công đó, ngoài nỗ lực bản thân, các chị đều có được hậu thuẫn tốt từ cả cơ quan công tác và gia đình. Cho nên, theo tôi nghĩ, với các NBN thì sự cảm thông và tạo điều kiện của cơ quan cũng như gia đình là vô cùng quan trọng, giúp họ có thể vượt lên khó khăn thách thức cũng như phát huy thế mạnh về giới đối với nghề làm báo và phải thật sự yêu nghề, một nghề vẫn được coi là vẻ vang nhưng không kém phần nguy hiểm.
Và tôi muốn nhấn mạnh với các NBN, lòng yêu nghề và đam mê tâm huyết là những điều kiện cần để các NBN gắn bó với nghề và phát triển. Hiện nay, ở các trường đại học có chuyên ngành báo chí các em nữ chiếm tỉ lệ khá cao đến 70% và có nơi gần 80%, nhưng thực tế khi ra trường con số ấy chỉ còn gần 50%. Bởi lẽ do sự nghiệt ngã của nghề và cũng cả do không tìm được nơi làm việc các em đã rẽ ngang sang làm truyền thông ở các công ty, tập đoàn và làm các nghề khác. Theo tôi điều này cũng là bình thường. Số còn lại theo nghề báo, làm ở các cơ quan báo chí nhưng cũng không phải tất cả đã trực tiếp làm phóng viên. Tôi đã tham gia giảng dạy trong các trường đại học, khi truyền đạt kiến thức cho các em tôi luôn nói rõ sau khi ra trường các em muốn gắn bó với nghề thì ngoài việc trau dồi kiến thức, luôn học hỏi và cập nhật kiến thức mới thì sự đam mê, tâm huyết với nghề phải đặt lên hàng đầu có như vậy các em mới phát triển và đặc biệt với các em nữ thì điều này lại càng cần hơn nữa.
Cuối cùng, tôi muốn nói với các nhà báo (cả nam và nữ) đã, đang trực tiếp làm nghề thì cần thiết phải yêu nghề, đam mê với nghề và sống chết với nghề thì lúc đó chúng ta mới có thể thành công, thực sự có đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và cho sự phát triển đất nước.