Người dân hưởng lợi từ Dự án chống sạt lở tại Thanh Hóa
Các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có 938 điểm sạt lở đất, nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân |
Dân phấn khởi vì “thoát” sạt lở
Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 2.000 hộ dân phải sơ tán vì ngập và sạt lở đất. Hầu hết tập trung ở các huyện miền núi với nhiều vị trí sạt lở nằm sát nhà dân, chưa được gia cố hay giật cấp taluy, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân.
Cũng theo thống kê cho thấy, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có 938 điểm sạt lở đất, trong đó: Huyện Bá Thước (44 điểm), huyện Cẩm Thủy (5 điểm), huyện Hà Trung (2 điểm), huyện Lang Chánh (188 điểm), huyện Mường Lát (77 điểm), huyện Ngọc Lặc (19 điểm), huyện Như Thanh (39 điểm), huyện Như Xuân (99 điểm), huyện Quan Hóa (111 điểm), huyện Quan Sơn (76 điểm), huyện Thạch Thành (9 điểm), huyện Thường Xuân (269 điểm)…
Trên thực tế, các vị trí sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đều do người dân nộp đơn lên chính quyền địa phương đề nghị được san gạt, hạ thấp độ cao để tạo thuận lợi cho việc xây dựng các công trình hoặc sản xuất nông – lâm nghiệp. Sau khi tiếp nhận tờ trình của địa phương đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND huyện các huyện, thị, thành phố có vị trí sạt lở tổ chức kiểm tra thực địa, nghiên cứu, đánh giá, thẩm định, lên phương án thi công hạ thấp độ cao tạo mặt bằng nhà ở và trồng cây cho các hộ dân đảm bảo an toàn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Cuối cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành chấp thuận giải quyết đề nghị cho một đơn vị đủ năng lực thi công phương án chống sạt lở đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đáng chú ý, người dân sẽ không mất bất cứ khoản chi phí nào để thuê đơn vị thi công hay phương tiện vận chuyển, thay vào đó nguồn kinh phí thực hiện Dự án sẽ do chính quyền địa phương xã hội hóa.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Ngọc Lặc và huyện Thường Xuân đã triển khai nhiều Dự án chống sạt lở, hạ thấp độ cao mặt bằng dân cư, bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Có thể kể đến một số Dự án như: Thi công chống sạt lở đất khu dân cư Làng Khóa, thôn Cao Tiến, xã Luận Thành của Công ty Mạnh Tùng Petro; hạ thấp độ cao mặt bằng xây dựng nhà ở riêng lẻ và trồng cây lâu năm tại xã Luận Thành của Công ty Trường An; thực hiện phương án hạ thấp độ cao hộ gia đình của Công ty Phúc Anh, xã Nguyệt Ấn…
Hộ ông Quách Công Cát, thôn Nguyệt Thịnh, xã Nguyệt Ấn đã không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa, lũ về |
Sống trong căn nhà cấp 4, hộ ông Quách Công Cát, thôn Nguyệt Thịnh, xã Nguyệt Ấn đã không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa, lũ về. Ông Cát chia sẻ: Gia đình tôi có 2.000 m2 đất ở và hơn 01 ha đất trồng cây, do sinh sống gần khu vực núi đất nên cứ vào mùa mưa, lũ thì vô cùng lo lắng về tình sạt lở đất, đe dọa tới tính mạng và tài sản. Mỗi lần nhìn lên vách đất cao chỉ cách nhà chừng 3m, có thể sạt vào nhà bất cứ lúc nào lại thấy ớn lạnh.
“Trước tình cảnh éo le, gia đình đã có đơn gửi UBND xã Nguyệt Ấn để nghiên cứu biện pháp xử lý vấn đề sạt lở. Ngay sau đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị thi công đã thực hiện phương án chống sạt lở, giờ đây vách đất đã cách nhà vài chục mét, cuộc sống của gia đình đã ổn định và an tâm hơn nhiều. Không những vậy, sau khi dự án hoàn thành, gia đình cũng có mặt bằng để tiến hành trồng cây, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập”. Ông Cát nói thêm.
Bà Phan Thị Nong, thôn Minh Thủy, xã Minh Sơn phấn khởi vì sau khi thi công Dự án chông sạt lở đã có mặt bằng để canh tác, tăng gia sản xuất |
Cùng chung niềm phấn khởi, bà Phan Thị Nong, thôn Minh Thủy, xã Minh Sơn hồ hởi: Nhà có một khu đồi cao ngay sát nhà, cứ mỗi năm lại sạt vào một ít, rất khó khăn cho việc canh tác, rồi sợ nguy cơ sạt lở vào nhà. Sau vài tháng thi công chống sạt lở, nay khu đồi đã được bằng phẳng không còn nỗi lo nguy hiểm đến mọi người trong gia đình. Nhờ vào việc khu đất đã bằng phẳng, nay gia đình dễ dàng trồng cây, việc tưới tiêu và thu hoạch cũng trở nên thuận tiện hơn, chắc chắn năng suất sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển khoáng sản tại các Dự án chống sạt lở |
Một công đôi việc
Trong quá trình thi công chống sạt lở, hạ thấp độ cao sẽ dư thừa khối lượng đất, đá thải. Để tránh lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, đơn vị thi công xin cấp phép của UBND tỉnh, khi được chấp thuận sẽ tiến hành nộp tiền khai thác khoáng sản để làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để các Dự án tận thu chống sạt lở, hạ thấp độ cao đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân, môi trường và cơ sở hạ tầng giao thông, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thị có Dự án thực hiện quản lý nhà nước đối với việc tận thu vật liệu thải trong quá trình thi công theo phương án, Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, đảm bảo việc thực hiện tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông, đời sống của nhân dân trong khu vực; nghiêm cấm việc lợi dụng tận thu để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải yêu cầu dừng ngay để khắc phục kịp thời và làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về mặt pháp lý, việc vận chuyển khoáng sản, đơn vị thi công sẽ có cam kết với chính quyền địa phương không gây ảnh hưởng đến môi trường, tu sửa lại hệ thống đường giao thông nếu xảy ra hư hỏng. Cùng với đó, chính quyền địa phương sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, thi công đúng mốc giới, thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt.
Đơn vị thi công tiến hành bạt mái taluy, đảm bảo không tái diễn tình trạng sạt lở |
Một đại diện doanh nghiệp thi công chống sạt lở trên địa bàn huyện Triệu Sơn cho rằng: Đa phần người dân các huyện miền núi đều sinh sống ổn định ở khu đất giáp ranh với đồi núi, mỗi khi mưa, lũ sẽ gây nguy cơ sạt lở đất. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận Dự án thi công chống sạt lở, đơn vị thi công đã phối hợp với chính quyền địa phương, có cam kết về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xe vận chuyển đúng tải trọng, tiến hành tu sửa đường nếu hư hỏng, tận thu khoáng sản đúng theo mốc giới. Đặc biệt, chú ý đến việc thi công bạt mái taluy dương giật cấp để đảm bảo không tái diễn tình trạng sạt lở, người dân nếu sau này xây dựng công trình hay trồng cây, tăng gia sản xuất cũng không còn lo lắng như trước.
Ông Lê Văn Định, Trưởng Phòng TN&MT huyện Ngọc Lặc cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế và người dân có đơn đề nghị, địa phương sẽ có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá để thực hiện phương án chống sạt lở, hạ thấp độ cao. Quan điểm của huyện là hộ gia đình nằm trong Dự án phải có đất ở, sinh sống ổn định và lâu dài trên khu đất đó, khu vực sạt lở có nguy cơ đe dọa về tài sản và tính mạng của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện các Dự án chống sạt lở, hạ thấp độ cao đã hết hạn, đa phần đã được nghiệm thu, cơ bản đã đáp ứng được hiệu quả, người dân cũng không còn nỗi lo về sạt lở đất, họ cũng có mặt bằng để canh tác, trồng cây và xây thêm công trình phụ trợ.
Như vậy, các Dự án thi công chống sạt lở, hạ thấp độ cao đã giúp bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, việc kết hợp các biện pháp quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách có hiệu quả gắn với công tác bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương thực hiện Dự án. Thanh Hóa sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các dự án chống sạt lở này tiếp tục được triển khai, hoặc có phương án di dời nhà dân để tránh nguy hại của sạt lở.