Người lính lái xe Jeep chở Tổng thống Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng
Trong căn nhà cấp bốn cũ kĩ ở phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa ông Đào Ngọc Vân (nguyên chiến sỹ đại đội 14, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304) bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử của ngày 30 – 04 – 1975.
Rạng sáng ngày 30-4-1975, tại Long Thành (Đồng Nai) đơn vị ông được lệnh chuẩn bị xe phối hợp với các đơn vị như pháo mặt đất, xe tăng cùng các bộ binh tấn công mở mũi chọc sâu vào Sài Gòn. Trên chiếc Jeep mang biển số 15778 mà ông Đào Ngọc Vân cầm lái, còn có Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ, Bàng Nguyên Thất chiến sỹ thông tin, Nguyễn Văn Nhu trợ lý trinh sát.
Ông Đào Ngọc Vân hồ hởi kể về những tháng, ngày tham ra Mặt trần giải phóng miền Nam ngày 30 – 04 – 1975.
Sau khi nhận được công lệnh, từ Long Thành, Đồng Nai, đơn vị ông hành quân đi vào trung tâm Sài Gòn. Đến trưa ngày 30-4-1975, đơn vị ông đã tiến sát vào cửa ngõ Sài Gòn. Ông Vân cùng các đồng chí Thệ, Thất, Nhu, Hoàng, Đam ngồi trên xe Jeep đi sau ba xe tăng, phía sau xe ông là một đoàn xe tăng. Quân ta ngồi trên xe tăng đi đến đâu cũng được người dân hai bên đường vẫy cờ chào đón.
Trên đường tiến vào Dinh Độc lập, đi đến đâu thì được người dân chỉ đường cho đến đấy. Khi đi đến đến gần Dinh Độc lập có một người dân tay cầm lá cờ quân giải phóng màu xanh đỏ sao vàng to như cái chiếu chạy ra đưa cho chúng tôi, chúng tôi đã cắm lá cờ đó lên xe. Đến cổng Dinh Độc Lập, hai chiếc xe tăng làm nhiệm vụ phá cổng Dinh. Khi chiếc xe tăng thứ nhất số hiệu 843 bị mắc kẹt ở cổng phụ, không thể nhúc nhích, chiếc xe tăng thứ hai số hiệu 390 đã nhanh chóng húc đổ cổng chính tiến thẳng. Chiếc xe tăng thứ ba theo sau tiến vào dinh độc lập. Ông Vân đã lái chiếc xe Jeep đi sau chiếc xe tăng thứ 3 tiến vào Dinh Độc lập.
Khi chỉ huy Phạm Xuân Thệ cùng các anh em đi vào phòng của Tổng thống Dương Văn Minh. Còn riêng ông vác lá cờ giải phóng chạy lên Ban công sảnh tầng 2 của Dinh Độc Lập cùng với một chiến sĩ liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm giữ được Dinh. Cùng thời này, đồng chí Bùi Quang Thận cũng đang kéo một lá cờ quân giải phóng lên cột cờ trên nóc Dinh, sau đó ông Vân đã căm lá cờ tại chân cột cờ trên nóc dinh.
Khi ông Vân chạy xuống tầng 1, chỉ huy Phạm Xuân Thệ nói với Dương Văn Minh: Các ông đã đầu hàng quân giải phóng không điều kiện nhưng không có bằng chứng thì không ai công nhận. Chúng tôi đề nghị các ông ra Đài Phát thanh để công bố đầu hàng.
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ thị cho ông Vân chuẩn bị xe đưa các Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh. Xuống đến cửa sảnh, Dương Văn Minh giơ tay về phía trái của Dinh Độc Lập chỉ vào chiếc xe sang trọng và nói: Mời cấp chỉ huy lên xe của chúng tôi để đến đài phát thanh. Đồng chí Thệ nghiêm nghị chỉ vào chiếc xe Jeep bám đầy bụi đất và nói: Chúng tôi đã có xe để đưa các ông đi. Sau đó ông Vân cùng các chiến sỹ giải phóng đã áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫn đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng.
Ông Vân cùng đồng dội bên chiếc xe chở Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Vân hào hùng nhớ lại: “Khi xe chạy đến đài phát thanh, lúc này đài phát thanh đã bị quân ta chiếm giữ, đồng chí Trần Viết Cả (người Quảng Xương) đang chiếm giữ tại đây. Tuy nhiên, lúc này do nhân viên nhà đài hoảng sợ nên đã bỏ chạy hết chỉ còn một người bảo vệ ở lại. Máy móc, trang thiết bị thì vẫn còn nguyên nhưng các chiến sỹ bên mình không ai biết sử dụng nên chưa thể cho Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Sau đó chúng tôi phải cho người bảo vệ đài phát thanh đi gọi các nhân viên nhà đài ở gần đó đến vận hành. Trong lúc chờ nhân viên đến vận hành đài phát thanh, anh Phạm Xuân Thệ đã viết ra giấy nội dung lời kêu gọi tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc”.
Đúng 11h30’ ngày 30 – 04 – 1975 tiếng loa thông báo của Đài truyền thanh ngụy quyền Sài Gòn, đã phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Tuyên bố của Dương Văn Minh có đoạn: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam, Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam”.
Sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 vinh dự thay mặt các đơn vị quân giải phóng đọc lời chấp nhận sự đầu hàng: Tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Thành phố Sài Gòn – Gia Định hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Bên cạnh ông Đào Ngọc Vân, trong thời khắc lịch sử của ngày 30 – 04 – 1975 còn có ông Trần Viết Cả (sn 1951, ở thôn Hợp Linh, xã Quảng Hợp, Quảng Xương – ông Cả đã mất vào năm 2017) cùng đồng đội đã nhanh chóng trực tiếp chiếm giữ Đài phát thanh Sài Gòn, chia nhau cắm chốt, bảo vệ bộ hiện trạng của đài để tạo điều kiện cho các chiến sỹ quân giải phóng miền Nam Việt Nam áp tải Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Vân và ông Cả đều trở về xây dựng quê hương, trở thành một người công dân gương mẫu, có ích cho xã hội.
Lô Giang