Nhặt rác thâu đêm kiếm 30 ngàn đồng
.
Khu thu gom phế liệu dưới chân cầu Long Biên
Thâu đêm kiếm 30 ngàn…
Chẳng ai biết tên của những người làm công việc này, mọi người vẫn quen gọi họ là “ve chai , nhặt rác”. Công việc hàng ngày của những người này là thu lượm sắt thép vụn, chai lọ sành, bao bì ni lông, vỏ lon bia…. Hằng ngày, mỗi người chọn cho mình một “địa bàn hoạt động” riêng, xung quanh hồ Gươm, hồ Tây, chợ Long Biên hay các công viên. Công việc của bắt đầu từ khi trời chuyển dần về khuya cho đến lúc thành phố thức dậy. Lý giải về chuyện này, một người nhặt ve chai vui vẻ: “Ban ngày lao công người ta đi dọn hết rồi thì lấy đâu ra mà nhặt hả cô”.
Công việc của họ kéo dài từ nửa đêm đến sáng ngày hôm sau. Mặc dù nói là việc vậy chứ nhưng cũng rất bấp bênh, những hôm “tốt ngày” cũng nhặt được kha khá, gặp ngày nào “đen” có khi cả đêm không được vỏ chai, lọ nào. Tính trung bình mỗi đêm như thế họ kiếm được từ 20 đến 30 ngàn đồng, “chưa đủ 3 cân gạo”. Đêm nào khấm khá hơn cũng được gần trăm ngàn nhưng phải đi bộ dài đến vài cây số. “Mỗi cân ve chai như thế họ cân có hai ba nghìn thì làm sao mà có thể sống được cô, nhưng không có việc gì làm thì đành phải vậy thôi”, anh Đặng Văn Đoàn (43 tuổi), một người nhặt ve chai chia sẻ .
Bữa cơm đạm bạc của chú Đặng Văn Đoàn
Chật vật qua ngày với bạc lẻ
Sau những đêm lao động mệt nhọc, họ lại trở về về nhà, chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi tiếp theo. Nói là nhà thôi chứ nào có được hình thù cái nhà. Những người làm nghề ve chai này chọn chân cầu Long Biên hay Chương Dương làm căn nhà cho mình, có chỗ che mưa che nắng lại không mất tiền thuê trọ, không mất sinh hoạt phí cao. Nơi mà những người ve chai vẫn nói vui với nhau là căn nhà “to bằng cả cái cầu”, nói cho sướng cái miệng chứ dính phải ngày nào mưa thì khốn khổ đủ đường, che chỗ này lại dột chỗ khác. Nhiều khi trời bão lớn đi nhặt ve chai về nhà còn lại một phần vì trôi hết xuống sông. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, bệnh tật cũng đeo bám họ quanh năm suốt tháng. Nhẹ thì lang ben, hắc lào, ghẻ lở khắp chỗ, nặng hơn thì là bệnh gan, bệnh lao phổi, thần kinh toại, thoái hóa cột sống… Chính vì vậy mà cuộc sống của họ rất khó khăn, cơ cực.
Mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn, việc chi tiêu cho bản thân đã khó họ lại còn phải dành dụm tiền để gửi về nuôi vợ và con ở quê. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm những gánh nặng của gia đình khiến cho những người làm nghề nhặt nhạnh này như kiệt sức. Để dành dụm tiền họ phải tiết kiệm chi tiêu tới mức tối đa, mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa, cơm canh cũng không có gì nhiều chỉ là vài miếng đậu phụ, hạt lạc, ít rau hái được ở rìa sông. Ngày nào khấm khá, kiếm được “món hời” lớn thì được thêm cái bánh mì ăn lót dạ.
Những người hành nghề nhặt rác đến từ nhiều địa phương khác nhau, người thì Thanh Hóa, người thì Nam Định, Ninh Bình nhưng họ có một điểm chung là không có nghề nghiệp nên phải tìm đến công việc vất vả này. Có lẽ cuộc sống mưu sinh của họ còn nhiều trắc trở, khi mong mỏi lớn nhất của những con người này chỉ là có chỗ nương thân “tử tế” hơn.
Tiểu Yến