Nhiều nước tính đến biện pháp mạnh để chống dịch
(SK&MT) - Trước ca nhiễm virus gia tăng nhanh chóng trở lại, nhiều nước trên thế giới đã phải tính đến khả năng siết chặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Hàn Quốc đã ra lệnh đóng cửa các trường học kể từ thứ Ba 15/12 ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận với đợt bùng phát virus corona tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các trường học ở khu vực thủ đô sẽ chuyển thành các lớp học trực tuyến cho đến cuối tháng, trong bối cảnh việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mới cho đến nay vẫn không thể đảo ngược đà gia tăng lây nhiễm.
Việc đóng cửa trường học là một bước tiến tới việc áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội Giai đoạn 3, một động thái về cơ bản sẽ khóa nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Thủ tướng Chung Sye Kyun cho biết một bước đi như vậy đòi hỏi phải xem xét cẩn thận, vì chính phủ đang chịu áp lực ngày càng lớn để làm nhiều hơn nữa hầu ngăn chặn đà gia tăng của bệnh dịch.
Theo hãng tin Hàn quốc Yonhap, tình hình khẩn cấp đã khiến tổng thống Moon Jae In tuyên bố cuộc chiến chống virus corona đã bước vào « giai đoạn sống còn ». Ông Moon cảnh báo là Hàn Quốc sẽ phải tính đến biện pháp đẩy giãn cách xã hội lên mức cao nhất nếu đà lây lan của dịch không không sớm được kiềm chế.
Lâu nay Hàn Quốc vẫn được coi là một hình mẫu trong quản lý khủng hoảng Covid, nhờ chiến dịch xét nghiệm tầm soát đại trà và truy vết những người tiếp xúc với ca nhiễm virus corona.
Làn sóng dịch Covid-19 không có dấu hiệu chững lại ở châu Âu khi mùa Giáng sinh đang tới gần. Nhiều nước không có cách nào khác ngoài siết chặt thêm các biện pháp giãn cách xã hội. Một số nước được cho là đã có thành công chống đợt dịch đầu tiên giờ đang rất lúng túng.
Với hơn 64.000 ca tử vong vì Covid-19, Ý lại vượt Anh và một lần nữa đứng đầu châu Âu về thiệt hại nhân mạng. Ý cũng là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất châu Âu, cao hơn Nga (gần 3.800), Đức (hơn 2.900), Anh (hơn 3.000) và Ba Lan (hơn 2.800). Từ ngày 01/11 đến nay, số ca tử vong được ghi nhận ở Ý là 25.000 người, tương đương con số được ghi nhận từ ngày 02/04 cho đến cuối tháng 10.
Thụy Sĩ, vốn là nước tránh được đợt dịch đầu hồi mùa xuân nay trở thành một trong những nước có những chỉ số dịch bệnh nghiêm trọng bậc nhất châu Âu. Với dân số chưa đến 8,6 triệu người, Thụy Sĩ ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm/ngày, so với con số vài trăm hồi đợt 1, đây là tỉ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu hiện nay. France Info ngày 12/12 cho biết số ca tử vong trong 24 giờ ở Thụy Sĩ là khoảng 100 người, nếu tính theo quy mô dân số thì tỉ lệ tử vong ở Thụy Sĩ cao gấp đôi Pháp và Đức.
Nghịch lý là dù các chỉ số dịch bệnh ở mức nghiêm trọng nhất châu Âu, nhưng Thụy Sĩ vẫn là nước có các quy định phòng dịch lỏng lẻo nhất. Do tình hình quá nghiêm trọng, cuối cùng thì chính quyền liên bang cũng quyết định kể từ ngày 12/12 các nhà hàng, quán bán đồ uống, cửa hàng và chợ, cũng như bảo tàng và thư viện phải đóng cửa từ 19h.
Theo kế hoạch, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức sẽ áp đặt phong tỏa toàn bộ từ ngày 16/12. Với quyết định trên, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều tạm ngừng hoạt động ít nhất tới ngày 10/1/2021. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón Năm mới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13/12 họp với lãnh đạo 16 bang để bàn về việc thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Trong bối cảnh hai ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục 30.000 ca trong 24 giờ, chính quyền Đức lo sợ đại dịch Covid sẽ vượt tầm kiểm soát trong dịp lễ tết cuối năm.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 14/12 cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có thể liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông-Nam xứ England. Phân tích ban đầu cho thấy loại biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.
Phát biểu trước Hạ viện, Bộ trưởng Cock cho biết đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mang biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England. Số ca nhập viện do COVID-19 tại vùng England đã tăng 13% và số ca nhiễm tăng 14% so với tuần trước.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Anh công bố từ ngày 16/12, hơn 34 triệu người, tương đương 60% dân số thuộc xứ England, bao gồm cả thủ đô London, sẽ phải nâng mức độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3, cấp độ cao nhất do số ca nhiễm tăng mạnh. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi người dân "hết sức cẩn thận và có trách nhiệm" khi đi thăm người thân trong kỳ lễ Giáng Sinh. Chính phủ khuyến cáo mọi người không nên di chuyển đến các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 3 và ngược lại.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới hết ngày 14/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.407 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên sát 30.550 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 30.551 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 189 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.332.947 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.152.342 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14/12.
L.Đ