Những vấn đề Y tế làm “nóng” nghị trường
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) cho biết, hiện nay, người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào, dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 11/11 - Ảnh: VGP |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), cũng như Nghị định 96 của Chính phủ liên quan việc cấp giấy phép hành nghề đã quy định, một người hành nghề chỉ có một giấy phép. Hiện nay, chúng ta cũng đang tiến tới quản lý trên quy mô toàn quốc việc sử dụng giấy phép người hành nghề.
Bộ trưởng cho biết, thời gian trước, Bộ Y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đến thời điểm này, đã có 430.000 người đã được đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 người hành nghề trên toàn quốc.
Tuy nhiên, hệ thống này được xây dừng từ năm 2015 trên cơ sở hệ thống đóng, nên việc cập nhập, quản lý, sử dụng theo đúng tinh thần của Nghị định 96 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Bộ Y tế đang điều chỉnh các nội dung để nâng cấp phần mềm này.
Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, phần mềm mà Bộ trưởng đề cập chỉ là danh sách đăng ký hành nghề do các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đưa lên, cho nên không thể kết nối liên thông với các địa phương được.
"Trong khi Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề cho tất cả bác sĩ, dược sĩ mở phòng khám tư nhân và chúng ta biết rằng chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của thời đại. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện xây dựng phần mềm đưa vào vận hành thì Bộ Y tế cần phải ban hành quy định bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, trong đó có cả Bộ Y tế và Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phải đẩy dữ liệu lên hệ thống. Trong trường hợp nếu không thực hiện cũng cần phải có biện pháp để xử lý", đại biểu đề xuất giải pháp.
Về các cán bộ được đào tạo nhưng về làm việc một thời gian ngắn ở cơ sở công lập lại ra làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã thông tin thêm về vấn đề chế độ, chính sách, số lượng nghỉ việc của nhân viên y tế.
Theo đó, giai đoạn 2022, có hơn 9.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Để giữ chân nhân viên y tế sau dịch COVID-19, đã có nhiều giải pháp được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương thực hiện.
Trong đó, Bộ Y tế đang tập trung sửa đổi nghị định 56/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế, sửa đổi quyết định 73 về chế độ tiền trực, các chế độ đặc thù với nhân viên y tế, sửa quyết định 75/NĐ-CP về chế độ phụ cấp với nhân viên y tế thôn, bản.
Bên cạnh đó rất nhiều địa phương đã đánh giá tình hình, sử dụng nhân viên y tế và có nhiều chính sách để thu hút, giữ chân nhân viên y tế công lập.
Nhân viên y tế công lập hiện chiếm 95% số nhân viên y tế phục vụ người dân. Đây là lực lượng rất quan trọng nên nếu không có quy định tốt, chính sách tốt để giữ chân đội ngũ này, sẽ khó khăn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Khang Thị Mào (tỉnh Yên Bái) về việc các bác sĩ mặc áo blouse trắng, nhân viên y tế quảng cáo cho các thuốc, thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay hiện nay quảng cáo liên quan thuốc, thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật.
Luật Quảng cáo hiện đang sửa đổi cũng như các quy định hướng dẫn triển khai thực hiện đã quy định việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo là không được phép.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm Bộ Luật hình sự đã có quy định rất rõ các mức độ liên quan đến xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Hiện Luật Quảng cáo đang được Quốc hội xem xét cũng đã có quy định. "Việc sử dụng hình ảnh này là sai quy định và Bộ đã có văn bản gửi các Sở y tế, cơ sở y tế trên toàn quốc nhắc nhở, đề nghị đội ngũ nhân viên y tế không tham gia quảng cáo sai quy định", bộ trưởng Lan nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (tỉnh Đắk Lắk) chỉ rõ tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái kém chất lượng khiến cử tri vô cùng lo lắng bức xúc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp.
Bộ trưởng cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao từ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả đã khiến tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu thực phẩm chức năng giả qua biên giới cũng là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cấm thuốc lá điện |
Về thuốc là điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN), Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, các mặt hàng này đang tăng nhanh về số người sử dụng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 ở người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi.
Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng TLĐT, TLNN theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ sử dụngTLĐT trong nhóm học sinh từ 13 – 17 tuổi cũng tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023…
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đề xuất có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm TLĐT, TLNN trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc được Quốc hội xem xét và sửa đổi trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng TLĐT, TLNN.
Trả lời câu hỏi “Giải quyết chậm thanh toán chi phí BHYT cho các bệnh viện đến đâu?”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tình trạng thiếu thuốc hiện nay ở các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết được phần nợ đọng trên 11.000 tỉ đồng.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang phối hợp với các địa phương để phân bổ cho các cơ sở y tế để giải quyết vấn đề nợ đọng.
Bộ trưởng thừa nhận, số tiền nợ đọng này nếu được gửi lại các cơ sở y tế theo quy định thì đây là một nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế đảm bảo được điều kiện mua thuốc, đấu thầu thuốc tại cơ sở.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) về nguyên nhân và giải pháp của thực trạng người dân không thể mua được thuốc tại nhà thuốc bệnh viện do thiếu thuốc, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, Tư lệnh ngành Y tế cho rằng, riêng với vấn đề nhà thuốc bệnh viện, đây là các nhà thuốc do bệnh viện quản lý và tổ chức mua lẻ để bán cho người dân khi có nhu cầu, không phải lấy tiền từ ngân sách hay tiền từ BHYT.
Trước đây, việc mua sắm hoàn toàn do bệnh viện quyết định, nhưng Luật Đấu thầu năm 2023 quy định, nhà thuốc bệnh viện cũng phải tổ chức đấu thầu. Vì vậy, vấn đề này đang gặp khó khăn, nhưng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ khắc phục nội dung này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.