Nỗi buồn ở xóm… “cười mỉm”
Tiếp chúng tôi trước hàng ba của ngôi nhà mình, chị Huỳnh Thị Hoa (34 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xóm Gò Mía ngượng nghịu che đôi hàm răng rệu rã như người già. “Từ khi lên 10, răng của tôi bắt đầu xuất hiện những đốm trắng, sau đó ố vàng, mẻ ra từng miếng. Đến 15 tuổi thì hàm răng ố vàng và cụt dần. Bây giờ chỉ mới hơn 30 tuổi nhưng hàm răng của tôi đã rụng 6 cái, những cái còn lại thì cái cùn, cái xiết mẻ và ố vàng. Người nào lần đầu nhìn thấy răng của tôi chắc… bỏ cơm!”, chị Hoa thẹn thùng nói.
Theo Quốc lộ 25, chạy dọc kênh chính bắc của hệ thống thủy nông Đồng Cam, đến thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, chúng tôi rẽ vào đường bê tông vừa được làm mới. Hai bên đường, những dãy nhà ngói khang trang mọc san sát chứng tỏ cuộc sống của người dân nơi đây khá no đủ. Qua khỏi một cánh đồng là đến xóm Gò Mía. Theo nhiều người dân nơi đây, những ngày đầu mới thành lập, xóm Gò Mía chỉ vỏn vẹn 4 hộ dân nằm biệt lập giữa khu đồng trồng toàn mía.
Cụ Nguyễn Minh Châu (SN 1940), một trong những cư dân đầu tiên của xóm này cho biết: “Trước đây, người dân chỉ sống tập trung tại các khu xóm trong, chỉ hộ nào nghèo không đủ tiền mua đất xây nhà thì mới ra xóm Gò Mía để ở tạm. Gia đình tôi cũng vậy, vì nghèo khó nên cha mẹ đùm túm mấy anh em tôi đến đây dựng nhà ở. Thời chiến tranh, các gia đình ở xóm Gò Mía xuống Tuy Hòa. Sau ngày giải phóng, chúng tôi về lại đây sinh sống”.
Theo những hộ dân ở đây thì xóm Gò Mía chỉ cách suối nước nóng Phú Sen khoảng 300m theo đường chim bay nên nguồn nước mạch khá dồi dào. Ở đây, gia đình nào cũng khơi hẳn một miệng giếng vì đất tơi xốp, đào chừng 3 đến 5m là đầy ắp nước. Giếng nào cạn thì chỉ cần 2 dây giựt (2 lần kéo dây gàu), còn giếng sâu lắm thì chỉ 3 dây giựt là có nước.
Không những thế, đất đai ở đây cũng khá màu mỡ nên bà con có điều kiện thuận lợi trong trồng trọt, vì vậy ngày càng có nhiều người về đây sinh sống. Đến nay, xóm Gò Mía đã có hơn 25 hộ với khoảng 100 người. Cuộc sống tưởng chừng lý tưởng đó đã không còn khi người dân ở đây phát hiện răng của nhiều con cháu họ bị hư.
Anh Dương Tấn Sỹ, một người dân ở xóm Gò Mía gọi 3 đứa con nhỏ cho chúng tôi xem hàm răng của chúng và nói: “Đấy các cô xem, mới hơn 10 tuổi nhưng răng của chúng đã bị ố vàng hết. Có răng bị bể, nổi những đốm trắng, có răng thì cùn. Chỉ vài năm nữa thôi thì răng của chúng cũng chẳng khác các anh chị lớn tuổi hơn trong xóm này”.
Còn ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà ở cạnh ông Sỹ cho hay: “Ở xóm này, lớp người lớn như tôi thì răng chẳng hề hấn gì. Còn những người từ 38 tuổi trở xuống thì răng đứa nào cũng bị hư cả. Nhẹ thì răng ố đen, còn nặng thì cùn cụt hết”.
Chúng tôi chạy một vòng xóm Gò Mía, gặp ai cũng hỏi chuyện… răng! Người lớn tuổi tự tin nhe răng, trong khi trẻ nhỏ khoảng 10 tuổi thì ai cũng ngại ngần há miệng; còn trai, gái khoảng 17, đôi mươi thì tuyệt nhiên không hé răng. Bà Nguyễn Thị Thủy, một người dân ở đây, năm nay đã 50 tuổi, hàm răng vẫn còn chắc khỏe, trong khi đó hàm răng cả 3 đứa con của bà đều không còn nguyên vẹn, dù chỉ mới hơn 20 tuổi.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi, Nguyễn Thị Hà (con gái đầu của bà Thủy) năm nay 22 tuổi, em ngại ngùng xin phép được… đeo khẩu trang, cho hay: “Em đã 2 lần cà, trám lại răng ở các phòng nha khoa tại TP Tuy Hòa, nhưng bây giờ các lớp trám cũng bong tróc hết, răng vẫn đen như cũ”. Không riêng Hà, hầu hết các lớp trai, gái mới lớn ở xóm Gò Mía đều rủ nhau đi nha sĩ trám răng để dễ nhìn. Ngặt nỗi đây chỉ là cách chữa tạm thời vì sau đó, lớp men được trám bị bong tróc và lại để lộ những chiếc răng vàng ố, đen đục xấu xí.
Bà Thủy cho hay: “Mỗi lần làm răng như vậy tốn hết 2 triệu đồng, nhưng chỉ hơn 1 năm là đâu lại vào đó. Nhưng có khổ mấy vợ chồng tui cũng cố chạy tiền cho 3 đứa con trám răng để con cái khỏi xấu hổ với bạn bè, tự tin hơn trong cuộc sống sau này”.
Vì hàm răng thiếu thẩm mỹ của mình nên người dân ở xóm Gò Mía rất e ngại trong giao tiếp với người ngoài - Ảnh: M.DUYÊN
Lạ một điều, tình trạng răng hư chỉ xảy ra ở những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở xóm này. Còn những ai sinh ở nơi khác, hoặc từ địa phương khác đến đây sống thì chẳng sao cả. Chị Huỳnh Thị Hoa cho hay: “Nhà có 3 anh chị em, tôi và chị gái sinh ra ở xóm này nên răng của 2 chị em đều hư. Chỉ có anh trai, sinh ra ở xóm trong, sau đó chuyển về xóm Gò Mía sống nên răng không bị gì”.
Theo ông Trần Dư, Trưởng thôn Cẩm Thạch, xóm Gò Mía có khoảng 100 người dân sinh sống thì hơn nửa bị hư răng. Tình trạng răng bị hư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tâm lý của người dân nơi đây. Nhiều người vì lo sợ con cái bị hư răng như mình nên đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
Khi tình trạng răng bị hư diễn ra ngày càng phổ biến, bà con ở đây đổ dồn mọi nghi ngờ do nguồn nước sinh hoạt lấy từ các giếng. Vì vậy, bà con đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành để được can thiệp.
Ông Nguyễn Phi Hổ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây cho biết: Do lo ngại nguồn nước sinh hoạt ở xóm Gò Mía không đảm bảo, gây tổn thương cho răng của người dân sinh sống tại đây, năm 2009, Nhà nước đã đấu nối đường ống dẫn nước sạch về cung cấp cho người dân xóm Gò Mía và thôn Cẩm Thạch sử dụng. Nhưng chỉ khoảng 2 năm sau, hệ thống cấp nước này đã phải tạm ngưng hoạt động cho đến nay vì thu không đủ bù chi. Hiện nay, người dân ở xóm Gò Mía vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng như cũ. Vấn đề này địa phương đã báo cáo huyện để xin hướng giải quyết.
Theo TUYẾT HƯƠNG - MINH DUYÊN (Phú Yên Online)