Phương án giải quyết khai thác cát sỏi lòng sông gây sạt lở
Tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” diễn ra trong ngày 24/11, ông Nguyễn Văn Dẫn - Hội viên Nông dân ở quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) phản ánh hiện nay nhu cầu khai thác tài nguyên cát phục vụ các công trình hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Tuy nhiên điều người dân lo lắng là việc khai thác cát, nhất là tình trạng khai thác bừa bãi sẽ khiến dòng chảy thay đổi, gây ra sạt lở.
Do vậy, ông Dẫn kiến nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến đồng thời kiến nghị các ngành chức năng tăng cường việc quản lý, khai thác tài nguyên cát ở Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng được nhu cầu phát triển các công trình giao thông, vừa đảm bảo môi trường sinh thái của vùng.
Giải đáp ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết ông hoàn toàn đồng tình với vấn đề đại biểu nêu, bởi việc khai thác cát sông bừa bãi sẽ khiến dòng chảy thay đổi, từ đó gây ra sạt lở.
Ông Duy cũng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có địa hình thấp, nền đất yếu và chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dẫn đến khả năng chịu đựng của các công trình trên mặt đất có giới hạn thấp, nhất là hệ thống đường giao thông, đường cao tốc.
Trước thực tế trên, ông Duy cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về “Quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.” Nghị định này đã cụ thể hóa các chính sách trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản cát sỏi lòng sông bao trùm từ công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tập kết và sử dụng cát sỏi lòng sông.
Phương án giải quyết khai thác cát sỏi lòng sông gây sạt lở. |
Nội dung nghị định cũng đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; về trách nhiệm phối hợp của các địa phương, của lực lượng cảnh sát đường thủy đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép nhất là ở vùng giáp ranh giữa các địa phương.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.” Dự kiến dự án kết thúc đi vào khai thác sẽ khắc phục tình trạng khan hiếm cát san lấp, cát xây dựng ở trong khu vực.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành xây dựng điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội với mục tiêu đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông của vùng; đánh giá và phân vùng nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và tác động của hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra tại khu vực; đề xuất phương án hợp tác với Hà Lan trong xây dựng hệ thống dự trữ và phân phối cát biển nhằm bảo đảm nguồn cung.
Về lâu dài, theo ông Duy, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên cát sỏi lòng sông; nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông; tiếp tục công tác điều tra, nghiên cứu, sử dụng cát biển để thay thế cát sông làm vật liệu xây dựng và san lấp; nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng để giảm áp lực khai thác đối với cát sông./.