Quản lý, khai thác và đấu giá các tài nguyên hữu hạn
Quản lý, khai thác và đấu giá các tài nguyên hữu hạn |
Đại biểu bày tỏ mong muốn không chỉ lãnh đạo của ngành tài nguyên môi trường mà tư lệnh các ngành liên quan sẽ có những góc nhìn mới mẻ để có thêm nhiều giải pháp quản lý tốt hơn thời gian tới, giảm thiểu sự suy thoái tài nguyên hiện nay.
Một số đại biểu cho rằng, Nhà nước cần độc quyền quản lý việc khai thác và đấu giá khoáng sản.
Đấu giá quyền khai thác khoảng sản nhằm tăng thu ngân sách nhà nước là một trong những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm thời gian qua. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp cho rằng các loại khoáng sản đều cần được đấu giá và Nhà nước phải độc quyền quản lý như tài nguyên dầu, tài nguyên khí, titan, sắt, than…
“Tất nhiên, Nhà nước phải hợp tác với các đối tác để cùng khai thác tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất. Bởi những tài nguyên của chúng ta vô cùng quý giá, không tái tạo được, là hữu hạn chứ không phải vô hạn nên cần phải khai thác có kế hoạch, có tích trữ để sau này con cháu còn được hưởng những nguồn tài nguyên đó,” đại biểu Hòa nói.
Với những loại tài nguyên cần hợp tác, đấu giá, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Nhà nước phải có danh mục cụ thể, cái nào cần Nhà nước làm thì Nhà nước làm, cái nào tư nhân làm được thì để tư nhân triển khai. Tuy nhiên, Nhà nước phải quản lý vô cùng chặt chẽ.
Ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Quản lý, khai thác, bảo tồn, tái tạo là vấn đề cần được quan tâm, chú ý để nguồn khoáng sản của chúng ta còn tồn tại lâu dài. Nếu khai thác kiểu tận diệt thì đến lúc khoáng sản sẽ cạn kiệt, đồng thời để lại hệ luỵ không tốt về sau.”
Trong khi đó, cùng bàn về việc thu ngân sách từ đấu giá khai thác khoáng sản sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng việc đánh giá kết quả thu ngân sách từ đấu giá khai thác khoáng sản sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản chưa được toàn diện.
“Cần có đánh giá kỹ hơn trong thời gian tới để tránh thất thu thuế khai thác khoáng sản cũng như tạo điều kiện phát huy được việc khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường tốt hơn trong thời gian tới,” đại biểu Bùi Xuân Thống nói. "Quản lý, khai thác, bảo tồn, tái tạo là vấn đề cần được quan tâm để có nguồn khoáng sản lâu dài. Khai thác kiểu tận diệt thì khoáng sản sẽ cạn kiệt, đồng thời để lại hệ luỵ không tốt về sau..."