“Siết” điều kiện kinh doanh vàng trang sức
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Đây được đánh giá là “bộ quy chuẩn” chi tiết nhất từ trước tới nay về đo lường và chất lượng vàng trang sức.
Sai phạm về quy định đo lường, kinh doanh, sản xuất vàng trang sức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ảnh: AH).
Còn hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 Kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 Kara (99,9%).
Cũng theo thông tư, khi thực hiện phân hạng theo Kara, vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo hạng thấp hơn liền kề với giá trị Kara thực tế xác định theo phân hạng danh định (ví dụ vàng trang sức 21,5K thì xếp vào loại vàng 21K). Trường hợp phân hạng theo độ tinh khiết hoặc hàm lượng vàng thì công bố đúng giá trị thực tế (ví dụ vàng trang sức có hàm lượng vàng được xác định là 78,0% thì công bố là 78,0% hoặc 780).
“Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định”, thông tư nhấn mạnh.
Do đó, thông tư quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với sản phẩm nữ trang vàng có sử dụng thêm các kim loại khác trong quá trình gia công, chế tác. Nếu sử dụng vật liệu bằng hợp kim vàng để hàn, vật liệu này phải đảm bảo độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Hay như, vàng trang sức, mỹ nghệ có nhiều hơn một bộ phận chính (ngoại trừ vật liệu hàn và các bộ phận phụ như: chốt, ốc vít… nếu có) là hợp kim vàng với giá trị phân hạng khác nhau, sẽ được phân hạng theo thành phần có phân hạng thấp nhất.
Nhưng thông tư cho phép, vàng trang sức, mỹ nghệ được phép sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được. Tuy nhiên, kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm…
Ngoài ra, thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các quy định về đo lường. Nếu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán vàng miếng vi phạm các quy định sẽ bị xử lý vi phạm về chất lượng và đo lường theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2014.
An Hạ
theo Dân Trí