Sông Lô (Vĩnh Phúc): Trang trại không phép, bức tử môi trường sống
Theo quy định, sử dụng đất lâm nghiệp phải đúng mục đích là để trồng rừng, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích sử dụng trên là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp. Vậy mà, tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp đang bị sử dụng trái phép, những trang trại chăn nuôi quy mô lớn vô tư mọc lên trên những quả đồi đã bị san gạt để phục vụ lợi ích cho một nhóm người coi thường pháp luật và những quy định của nhà nước.
Trang trại có quy mô lớn được xây dựng trên đất lâm nghiệp tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, các trang trại vô tư hoạt động, vô tư xả thải ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân. Qua tìm hiểu của phóng viên (Pv), những quả đồi bị san gạt và xây dựng đều trên đất lâm nghiệp và chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn thản nhiên xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hàng trăm con, có trang trại lên tới hàng nghìn con. Việc chăn nuôi quy mô lớn và trái phép đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống bên dưới, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm là rất cao.
Ông T.M.K, người dân sinh sống tại nơi đây chia sẻ: “Trang trại xây gạt trên mấy quả đồi to vậy mà bảo chính quyền không biết thì thật là vô lý. Thấy bảo họ có quen biết nên cứ mặc nhiên làm thôi.”
“Xây dựng trên cao, lại ở chỗ xả nước của hồ. Nếu đã không phép thì cũng không thể đảm bảo được môi trường, nếu nó ô nhiễm thì bà con ở dưới phải hứng chịu mà không biết kêu ai.” Bà N.T.T bức xúc nói.
Xung quanh khu vực trang trại có khá nhiều hộ dân sinh sống.
Trao đổi qua điện thoại với ông Mạc Thế Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quế thì được biết, các trang trại này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chưa có giấy tờ đảm bảo vệ sinh môi trường và đánh giá tác động môi trường phù hợp với xây dựng trang trại chăn nuôi. Khi hỏi về công tác quản lý của chính quyền, có những văn bản gì cho phép trang trại với quy mô lớn như vậy hoạt động hay không, thì vị này khẳng định xã không có giấy tờ gì quản lý. Để làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý của địa phương, Pv đến trực tiếp trụ sở UBND và được sắp xếp trao đổi làm việc với ông Lê Công Hưng, Phó Chủ tịch UBND. Tuy nhiên trong quá trình làm việc với Pv, ông Hưng luôn “lảng tránh” trách nhiệm của chính quyền địa phương và khẳng định trách nhiệm này thuộc về cán bộ của nhiệm kì trước. Đồng thời, ông Hưng khẳng định, đã có báo cáo với UBND huyện về việc xây dựng trái phép, nhưng tại thời điểm ghi nhận thực tiễn, Pv đề nghị được xem báo cáo của địa phương thì vị lãnh đạo này không cung cấp, với lý do trụ sở ủy ban xã đang sửa và mong Pv “bỏ qua việc trái phép này và tạo điều kiện cho địa phương”.
Vì sao, một công trình trái phép, vi phạm pháp luật, hiện diện sừng sững trên phần lớn đất rừng, mà chính quyền lại mong muốn “bỏ qua” để… “tạo điều kiện địa phương” !? Đó có phải là lý do dẫn đến thực trạng “con voi chui vừa lỗ kim” ở địa phương này hay không? Để chấm dứt tình trạng tự ý phá rừng xây trang trại và những hệ lụy về sau, rất mong các cấp chính quyền có những biện pháp mạnh tay để không làm tiền lệ xấu cho người dân địa phương.
QUANG NGUYỄN