Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất
Nhiều kết quả khả quan trong ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu đã tạo ra nhiều giống cây, giống con mới, các quy trình sản xuất hiện đại, an toàn và chất lượng, mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, trong đó, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt trên 75% tổng diện tích gieo trồng lúa, cơ giới hóa trong sản xuất đạt cao, Giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha; thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác. Trong chăn nuôi, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng, tiếp tục khẳng định là ngành sản xuất chính, đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi. Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin, đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới, vật liệu mới vào sản xuất, đời sống. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính quyền, giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay 100% các cơ quan hành chính thực hiện nhận và gửi văn bản trên phần mềm quản lý văn bản điện tử; trên 70% thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 3, 4, qua đó giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm trên 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với trước đây. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin làm minh bạch thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Mạng Internet, mạng 4G đã phủ sóng toàn bộ trên địa bàn tỉnh. Mạng 5G đã được sử dụng tại một số khu vực trọng điểm của tỉnh.
Trong lĩnh vực Y tế, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới trong khám chữa bệnh mang lại hiệu quả rõ rệt trong công các phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân, điển hình như: kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da; kĩ thuật xạ hình xương toàn thân trên máy SPECT-CT ở một số bệnh ung thư thường gặp; chiết xuất các hoạt chất sinh học từ Rắn hổ mang nuôi thương phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng; thử nghiệm tách chiết sản phẩm dạng nano từ nấm Đông trùng hạ thảo và Trà hoa vàng Tam Đảo. Nhiều kỹ thuật tiến bộ đã được nghiên cứu thành công và triển khai ngay tại bệnh viện tuyến cơ sở, giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí khám và điều trị trong khi vẫn được thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến của khoa học công nghệ.
Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế được ứng dụng tại các cơ sở y tế giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi
Trong công tác quản lý nhà nước về công nghệ, hoạt động thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư, thẩm định các chương trình, đề án được xác định là một khâu quan trọng trước khi quyết định đầu tư và là "rào chắn" các dự án không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Với quan điểm Vĩnh Phúc không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, do vậy tất cả các dự án đầu tư đều được xem xét, thẩm định chặt chẽ về công nghệ. Với hơn 250 dự án được thẩm định công nghệ và cấp phép đầu tư thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, môi trường, cơ khí, vật liệu xây dựng... đã ngăn chặn được việc sử dụng công nghệ lạc hậu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, tăng năng suất chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh một cách bền vững.Thông qua việc ứng dụng và làm chủ công nghệ, trình độ và kỹ năng của người lao động được nâng lên, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Trong công tác cải cách hành chính, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Đến nay có 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và một số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện áp dụng và công bố phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 với tổng số trên 180 cơ quan, đơn vị. Việc áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch các quy định, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của tổ chức.
Nền tảng quan trọng phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội
Bên cạnh những kết quả tích cực, nhiệm kỳ qua hoạt động KH&CN cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là: Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng vào các hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; Trình độ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn nhìn chung còn ở trình độ trung bình; Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa thiếu vừa không đồng bộ. Năng lực tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế. Đầu tư cho Khoa học và công nghệ còn thấp, nhất là huy động các nguồn lực xã hội ngoài nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ KH&CN có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 và điều kiện mới đặt ra trách nhiệm cho KH&CN rất lớn. Để KH&CN và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng phát triển nhanh và bền vững KT-XH; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp. Chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường kết nối, gắn kết với tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia để phục vụ các bài toán phát triển, huy động được lực lượng trí thức hàng đầu đất nước ở các tổ chức khoa học và công nghệ để đồng hành, sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
Ba là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ.
Bốn là, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao vào phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hoạt động sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất trên địa bàn. Xây dựng chương trình hành động với các chỉ tiêu cụ thể để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành của tỉnh.
Năm là, thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đối mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người.
HOÀNG DƯƠNG