Thái Bình thông tin về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải
Thời gian qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về việc: Thái Bình có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải; sau khi xác lập, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) đã được UBND tỉnh Thái Bình xác lập tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014, đã gần như loại bỏ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô diện tích từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha; Thái Bình coi trọng phát triển kinh tế không coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái; Thái Bình đang không quan tâm đến người dân, giảm diện tích rừng làm mất sinh kế của người dân.
|
Sau khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Bình đã có những cung cấp thông tin cho người dân và báo chí.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, trước những năm 1980 vùng ven biển tỉnh Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.
Với mong muốn giữ được đất bồi tụ, lấn biển tạo không gian sinh kế cho người dân, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xác lập Khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.
“Khác với các quyết định khác, Quyết định số 2159 không mang tính chất xác định cụ thể ranh giới rừng trên thực địa, chủ yếu có tính quy hoạch định hướng, chủ trương, hướng tới hình thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Vì vậy Khu rừng đặc dụng này có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải; với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500 ha vì quá trình xác lập khu rừng này chưa tiến hành đo đạc cụ thể mà chỉ kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau”, UBND tỉnh Thái Bình cho biết.
Do có sự sai khác về vị trí và diện tích chưa được đo đạc và tính toán một cách cụ thể, khoa học nên tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 2159/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có nêu: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích Khu rừng đặc dụng này”. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí.
Trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình rất trân trọng và sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của công ước Ramsa, Khu dữ trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004, cụ thể:
Thứ nhất, chú trọng việc Bảo tồn và sử dụng khôn khéo có hiệu quả toàn bộ diện tích vùng đất ngập nước được được UNESCO công nhận trên địa bàn huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải cũng như khu vực ngoài biển khơi cách bờ biển 6 hải lý; duy trì, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản trên khu vực bãi triều ven biển gắn bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai có hiệu quả tạo sinh kế cho người dân ven biển.
Thứ hai, dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từ 3.709 ha rừng năm 2015 đến nay tỉnh Thái Bình đã có gần 4.300 ha rừng đáp ứng đủ các tiêu chí của phòng hộ và đặc dụng giúp phòng chống thiên tai có hiệu quả và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái vùng ven biển, tạo sinh kế cho nhiều người dân ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân loại rừng
Thứ ba, xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng khoảng 2000/4300 ha rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn, giúp người dân có thu nhập đáng kể từ rừng; gia tăng các giá trị từ rừng như việc xây dựng mô hình Du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải...) ngày càng mở rộng, lan tỏa các giá trị từ vùng đất ngập nước...
Thứ tư, thường xuyên trang bị các kiến thức về khoa học, sản xuất nông nghiệp bền vững, canh tác cây trồng và chăn nuôi, thủy sản theo hướng giảm phát thải nhà kính và thuận theo tự nhiên tại các vùng của sông, bãi bồi (ngao 2.800 ha; nuôi Rươi, nuôi Cáy gần 1.000 ha) để bảo tồn sự đa dạng sinh học trong khu vực được UNESCO đã công nhận, góp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển, ven cửa sông.
Trước sự biến đổi của khí hậu, dòng chảy khu vực cửa Ba Lạt bị thay đổi, hiện tượng sạt lở bãi bồi xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Cồn Thủ, Cồn Vành, sự đa dạng về sinh học khu vực này cũng thay đổi theo, các loài sinh vật đặc hữu di chuyển về khu vực bãi bồi của huyện Thái Thụy; năm 2019 tỉnh Thái Bình đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các tổ chức Quốc tế thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy với diện tích vùng lõi 6.560 ha, khu vực này có rất nhiều tiềm năng để phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ven biển; với việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Thái Thụy đã khẳng định tỉnh Thái Bình tham gia và thực hiện nghiêm túc công ước Ramsar và quy định của Khu dữ trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.
Thái Bình sẽ tiếp tục rà soát, xác định chi tiết quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa |
Năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Năm 2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500 ha. Tại Điều 2 Quyết định số 1486/QĐ-TTg, Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.
Một trong số các quy hoạch phải điều chỉnh để tránh chồng lấn với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình là quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và khu rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159. Do vậy, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Bình đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và tiến hành xác định vị trí, quy mô diện tích và ranh giới rừng đặc dụng được tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, việc xác định vị trí, quy mô diện tích Khu rừng đặc dụng (theo Quyết định số 731) không tránh khỏi một phần diện tích rừng, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp bị đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp. Khu vực dự kiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là nơi tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
“Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã bố trí quỹ đất ven biển phù hợp để trồng rừng mới và trồng rừng thay thế; đối với diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chưa chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn được tiếp tục quản lý, bảo vệ để rừng phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Do quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau và có sai lệnh tọa độ trên thực địa nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế” UBND tỉnh Thái Bình cho hay.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Bình sẽ phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, xác định chi tiết cụ thể quy mô, diện tích khu rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải trên thực địa; lập hồ sơ thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử đơn vị chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.