Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm xưởng chế biến, thu mua gỗ keo trái phép
Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị và thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm thu mua, xưởng chế biến gỗ keo hoạt động sai mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số hộ tự ý thay đổi hiện trạng đất, hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát nguồn thu thuế từ đất…
Điểm thu mua gỗ keo trái phép của hộ bà Lê Thị Hảo, xã Bình Sơn vẫn ngang nhiên hoạt động dù đã bị yêu cầu dừng, trả lại hiện trạng đất |
Thực hiện chuyên đề “Công tác bảo vệ môi trường tại các điểm thu mua, xưởng chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa”, từ ghi nhận thực tế, phóng viên Sức khỏe và Môi trường nhận thấy tại điểm thu mua keo của hộ bà Lê Thị Hảo, xã Bình Sơn đang tiến hành hoạt động thu mua diễn ra giữa ban ngày trên khu đất rừng sản xuất, các xe tải vận chuyển gỗ keo rừng vẫn ra vào để cân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đối với xưởng chế biến gỗ keo của hộ ông Lê Đình Bình, xã Thái Hòa vẫn chưa có động thái tháo dỡ, di dời máy móc, thiết bị và nguyên liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/03/2024 UBND huyện Triệu Sơn, UBND xã Bình Sơn đã tiến hành lập biên đối với điểm thu mua gỗ keo trái phép của hộ bà Lê Thị Hảo (vợ ông Nguyễn Hữu Hòa), thôn Đông Tranh. Nội dung văn bản cho thấy: Gia đình cung cấp bản phô tô Hợp đồng hợp tác liên doanh ngày 12/10/2022, giữa ông Nguyễn Hữu Hòa và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt – Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Nghi Sơn; theo đó ông Hòa có trách nhiệm san gạt mặt bằng, đầu tư hạ tầng, bàn cân, khu vực sinh hoạt cho Công ty sử dụng phục vụ cân hàng và bãi chứa gỗ keo lóng.
Xưởng chế biến gỗ keo của hộ ông Lê Đình Bình, xã Thái Hòa chưa có động thái tháo dỡ, di dời đến vị trí phù hợp |
Về hiện trạng sử dụng đất: Tại thời điểm kiểm tra khu đất đã san gạt, tạo mặt bằng khu đất, diện tích 1.200 m2, các thiết bị máy móc, công trình gồm: 01 máy xúc (lắp càng kẹp gỗ); 01 đầu máy cày gắn thùng tự chế đang chở gỗ nằm trên bàn cân; công trình nhà điều hành tường gạch xi măng, mái tôn diện tích 30 m2, bàn cân 60 tấn điều được xây dựng trên diện tích đất ở của hộ…
Qua đó, đoàn kiểm tra thống nhất: Việc hộ gia đình bà Lê Thị Hảo tự ý chuyển đổi mục đích đất trồng rừng sang mục đích đất phi nông nghiệp diện tích 1.200 m2 khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai quy định pháp luật.
Yêu cầu bà Lê Thị Hảo dừng hoạt động tập kết, thu mua gỗ keo rừng, thu dọn, vận chuyển máy móc ra khỏi khu vực đất trồng rừng sản xuất; hoàn trả mặt bằng như ban đầu đảm bảo việc trồng rừng sản xuất theo quy định; thời hạn thực hiện trước ngày 30/04/2024.
Riêng xưởng chế biến gỗ dăm của ông Lê Đình Bình, ngày 04/04/2024 UBND huyện đã ban hành Quyết định xử phạt số 1831/QĐ-XPHC do thực hiện vi phạm hành chính: Không có giấy phép môi trường theo quy định.
Cụ thể, ông Lê Đình Bình bị xử phạt số tiền 32.500.000 đồng. Buộc di dời dự án đầu tư, cơ sở chế biến đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Trao đổi với phóng viên Sức khỏe và Môi trường, ông Hoàng Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Điểm thu mua gỗ keo của hộ ông Hòa (chồng bà Hảo) hoạt động trên diện tích đất trồng rừng sản xuất tại thôn Đông Tranh. Việc này đã được UBND huyện Triệu Sơn, UBND xã Bình Sơn lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động, trả lại hiện trạng đất trước ngày 30/04/2024 và xã đã nhận trách nhiệm. Nếu đơn vị tiếp tục hoạt động, xã sẽ có báo cáo gửi UBND huyện Triệu Sơn.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn xác nhận: Điểm thu mua keo của hộ bà Hảo, xã Bình Sơn huyện đã lập biên bản và yêu cầu trả lại hiện trạng đất trước ngày 30/04/2024. Còn cơ sở chế biến gỗ keo của ông Lê Đình Bình, huyện cũng vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 32.500.000 đồng, yêu cầu phải di dời đến địa điểm phù hợp quy hoạch, đảm bảo môi trường.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 32.500.000 đồng đối với ông Lê Đình Bình |
“Ngày 03/05/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với UBND huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở này, nếu phát hiện tái diễn sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”. Bà Xuân cho biết thêm.
Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Ngày 20/11/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản số 17856/UBND-NN về việc giao tổng hợp, báo cáo và chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm tại các điểm thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tự phát trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang có ý kiến chỉ đạo, giao Chủ tịch UBND các huyện thị, thành phố: Chỉ đạo, xử lý nghiêm, triệt để đối với các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh… Trường hợp các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản đã bị xử phạt vi phạm hành chính, không có biện pháp khắc phục, cố trình hoạt động thì thực hiện trình tự, thủ tục cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm hoặc lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng thẩm quyền và quy định tại Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (nếu đủ điều kiện). |