Thanh Hóa: Đưa hoạt động khai thác và sử dụng cát, sỏi lòng sông vào nề nếp
Thời gian qua, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của việc khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hoạt động này đã dần diễn ra rộng rãi, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng. Cùng với đó, các địa phương có mỏ cát đã từng bước thực hiện quản lý khai thác có kế hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật, giảm mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, nâng cao chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái và đời sống của cộng đồng dân cư xung quanh.
Nghị định số 23/2020/NĐ-CP đi vào cuộc sống được xem là kim chỉ nam trong việc quản lý, sử dụng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tại Thanh Hóa |
Nghị định số 23 vào thực tiễn
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có lượng cát dồi dào, được khai thác chủ yếu trên tuyến sông Mã, sông Chu, sông Bưởi… để cung cấp cho các dự án xây dựng trong và ngoài tỉnh. Đã hơn 4 năm, từ khi Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra dễ dàng hơn, các chủ mỏ cũng vì thế tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Trên cơ sở các quy hoạch khoáng sản được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 5368/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…,hiện nay, tổng số mỏ cát, sỏi và khu vực nạo vét sông, cửa biển được quy hoạch là 124 khu vực thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố (trong đó, mỏ cát, sỏi là 116 mỏ; khu vực nạo vét sông, cửa biển là 08 khu vực), với tổng tài nguyên dự báo khoảng 18.385.025 m3.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành cấp 31 giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông đang còn thời hạn, với tổng trữ lượng, tài nguyên cát, sỏi đã cấp phép là 6.995.017 m3, công suất khai thác trung bình là 750.877 m3/năm. Các giấy phép được cấp chủ yếu tập trung tại các huyện đồng bằng và trung du như: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa. Việc cấp phép cho đơn vị khai thác đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, nâng cao giá trị tài nguyên, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, đồng thời góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng khai thác cát trái phép.
Cũng theo báo cáo hoạt động khoáng sản, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm của các đơn vị nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/12/2023, tổng trữ lượng khoáng sản cát, sỏi đã khai thác là 2.370.304 m3; trữ lượng khoáng sản còn lại là 4.624.713 m3.
Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông có hiệu quả, thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt các biện pháp như: Tăng cường giám sát và kiểm tra thường xuyên các hoạt động khai thác cát, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên; Chỉ cấp giấy phép khai thác cho các đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên cát sỏi và môi trường. Riêng đối với các chủ mỏ, kịp thời áp dụng công nghệ hiện đại vào việc khai thác cát để giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị khai thác hiện đại thay vì phương pháp khai thác thủ công.
Các địa phương có mỏ cát đã từng bước thực hiện quản lý khai thác có kế hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật, giảm mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên… |
“Mạnh tay” với khai thác cát trái phép
Thời gian qua, một số địa phương vẫn còn xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản cát, sỏi trái phép, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực; công tác quản lý, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời; công tác thống kê sản lượng khoáng sản đã khai thác còn bất cập, có tình trạng tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản thực tế khai thác.
Năm 2020, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 195/QĐ-STNMT ngày 19/5/2020 về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động tập kết, kinh doanh cát đối với 23 bãi tập kết kinh doanh cát nhưng không có mỏ cát được cấp phép. Kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 198/BC-STNMT ngày 14/12/2020 báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. UBND tỉnh có Công văn số 17824/UBND-CN ngày 23/12/2020 yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung để khắc phục các tồn tại trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi lòng sông.
Nhiều trường hợp khai thác, tập kết cát trái phép được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa “mạnh tay” xử lý |
Năm 2021, 2022, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 240/QĐ-STNMT ngày 21/5/2021 về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đối với 26 mỏ cát. Kết quả kiểm tra, phát hiện một số tồn tại như: chưa ký hoặc chưa ký lại hợp đồng thuê đất theo quy định; chưa cắm mốc giới mỏ đầy đủ theo quy định; khai thác vượt công suất; chưa lập và nộp bản đồ hiện trạng khai thác mỏ theo quy định.
Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp và có Báo cáo số 59/BC-STNMT ngày 27/5/2022 báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã có Công văn số 8405/UBND-CN ngày 13/6/2022 yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung để khắc phục các tồn tại.
Năm 2023, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động tại các Bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và có Công văn số 1799/SXD-VLXD ngày 27/3/2023 báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 4507/UBND-CN ngày 06/4/2023 chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, khắc phục tồn tại trong hoạt động, kinh doanh tại các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý “mạnh tay”. Điển hình, ngày 13/6/202, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Số tiền các đối tượng “cát tặc” thu lợi bất chính được xác định lên đến gần 100 tỉ đồng.
Ngày 30/05/2024, tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thuỷ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đội nghiệp vụ của phòng Cảnh sát Kinh tế và Công an huyện Vĩnh Lộc bắt giữ 2 phương tiện thuyền sắt đang bơm hút cát trái phép.
Từ những vụ việc trên, tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sơ trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trong công tác quản lý khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hóa đã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền cơ sơ trong quản lý tài nguyên khoáng sản |
Theo lãnh đạo phòng TN&MT huyện Thọ Xuân, trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện có 7 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác và 11 bãi tập kết cát được Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết hợp đồng sử dụng đất. Bám sát Nghị Định số 23/2020/NĐ-CP và đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp, thời gian qua UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai dự án, thực hiện việc khai thác khoáng sản không tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
“Trường hợp phát hiện sai phạm, gây ảnh hưởng đến môi trường, khai thác vượt trữ lượng cho phép, nếu doanh nghiệp không chủ động khắc phục kịp thời, huyện sẽ kiên quyết xử lý, báo cáo tỉnh không tiếp tục gia hạn giấy phép khai thác và yêu cầu dừng hoạt động đối với những doanh nghiệp vi phạm”, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Thọ Xuân nói thêm.
Việc đưa quản lý khai thác cát tại Thanh Hóa vào nề nếp là một yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo vệ môi trường, tài nguyên và đảm bảo phát triển bền vững. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, chúng ta mới có thể thành công trong việc này, góp phần vào sự bền vững của Thanh Hóa và cả nước.