Thanh Hóa quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Thanh Hóa quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường |
Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, từng bước giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phấn đấu đến năm 2030 tỉnh sẽ giải quyết cơ bản nguồn thải từ các cơ sở gây ô nhiễm trong đô thị và khu dân cư.
Qua rà soát, toàn tỉnh Thanh Hóa có tổng số 700 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường phải di dời trong tổng số 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư.
Các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố bao gồm: Tp. Thanh Hóa, Tp. Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn và các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương.
Các cơ sở gây ô nhiễm đang hoạt động trong các loại hình sản xuất như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến đá xẻ, đá ốp lát; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng; thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì; sản xuất bún; giết mổ gia súc, gia cầm; gia công cơ khí; sản xuất gạch không nung; ươm tơ, dệt nhiễu; chế biến thức ăn chăn nuôi; sữa chữa ô tô; sản xuất bia...
Theo Đề án, tỉnh Thanh Hóa phân kỳ thành 3 giai đoạn để thực hiện.
Giai đoạn 2024 – 2025: tập trung rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau. Thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, hộ gia đình chủ sở hữu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, Chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý. Tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý.
Giai đoạn 2026 – 2027: xác định nhiệm vụ di dời toàn bộ/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động 110 sơ sở gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên. Theo đó, tỉnh đầu tư đầy đủ, vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường nhưng thuộc loại hình có thể giảm quy mô, công suất để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Giai đoạn từ 2028 – 2030: Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ di dời/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại là 565 cơ sở.
Địa điểm tiếp nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn, địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.
Để hoàn thành mục tiêu đã xác định, tỉnh Thanh Hóa quyết định sẽ hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp về nhiều mặt: miễn tiền thuê đất tối đa không quá 3 năm, kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước (trong thời gian xây dựng cơ bản); Miễn tiền thuê đất 3 năm sau thời gian xây dựng cơ bản, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, tỉnh quy định giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thực hiện theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn).
Đối với thuế suất ưu đãi: 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: tái chế, tái sử dụng chất thải… theo quy định. Áp dụng thuế suất 10% đối với các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Thuế suất 17% trong thời gian mười năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc ngành nghề sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống: ươm tơ dệt nhiễu, mộc, hàn.
Với các trang trại chăn nuôi có nhu cầu di dời đến địa điểm mới để tiếp tục chăn nuôi, bên cạnh mức hỗ trợ nêu trên thì mỗi trang trại chăn nuôi được hỗ trợ thêm một phần chi phí vận chuyển, cụ thể: di chuyển dưới 30 km hỗ trợ 3 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 4 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Di chuyển trên 30 km hỗ trợ 5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 6 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 7 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn.