Thay đổi đột ngột phương án thi 2017 sẽ khiến dạy thêm học thêm tăng mạnh
(SK&MT) - Đánh giá về việc Bộ GD & ĐT thông báo dự thảo phương án thi năm học 2017, thầy Bùi Phương Thịnh cho rằng, đây là cách làm không có sự chuẩn bị và không có lộ trình báo trước, gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Thầy giáo Bùi Phương Thịnh |
Thầy Bùi Phương Thịnh (giáo viên Vật Lý trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, HN) cho rằng, ba năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã liên tục thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH theo lộ trình cải cách giáo dục đã đề ra.
Việc thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá là một việc làm tất yếu để hội nhập thế giới, để giáo dục nước nhà tiếp cận dần với nền giáo dục thế giới. Tuy nhiên kiểm tra đánh giá chỉ là một khâu trong quá trình giáo dục nói chung và giáo dục THPT nói riêng.
Điều đáng lưu ý, theo thầy Thịnh, trong quá trình thực hiện đó có một số điểm gây ảnh hưởng không tốt đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Đáng lưu ý là, việc Bộ GD & ĐT thay đổi liên tục cách thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học nhưng vẫn giữ nguyên khung chương trình THPT mang đến một số bất cập nhất định.
“Hiện nội dung kiến thức trong trường phổ thông vẫn là hàn lâm, chưa phù hợp với thực tế và không được cập nhật kịp thời. Phương pháp dạy và học hiện nay là học để thi, do đó giáo viên và học sinh phải rèn luyện, làm quen một thời gian dài mới đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của đề thi.
Do đó việc thay đổi đột ngột hình thức thi khiến cho giáo viên cũng áp lực vì phải thay đổi giáo án, phương pháp trong một thời gian ngắn. Học sinh còn áp lực hơn vì phải thích nghi trong một thời gian quá ngắn, kéo theo đó là tâm lý nặng nề của phụ huynh học sinh” – thầy Thịnh phân tích.
Ngoài ra cũng theo thầy Thịnh, việc thay đổi cụm thi theo bộ GD & ĐT là nhẹ nhàng, an toàn nghiêm túc nhưng thực tế quay lại cách thi của 5 năm trước đây, khi Sở GD & ĐT chủ trì, các trường Đại học cử cán bộ về giám sát. Cách thi đó đã được xác định là không phù hợp. Điều này không tránh khỏi việc giáo viên, phụ huynh không tin tưởng vào kết quả thi THPT.
“Năm học 2016 - 2017, Bộ dự thảo tổ hợp các môn thành bài thi, như vậy có thể hiểu thời lượng cho mỗi môn rút ngắn lại, lượng kiến thức mở rộng ra. Điều này khó phù hợp với khung chương trình hiện tại.
Cách làm này theo một nghĩa nào đó Bộ đã quay lại cách thi của các năm 1998 - thi tốt nghiệp 6 môn và thi đại học riêng.
Như vậy có thể hiểu, cách làm không có sự chuẩn bị và không có lộ trình báo trước như hiện nay gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Giáo viên khó thay đổi kịp với sự thay đổi của bộ, học sinh và phụ huynh học sinh áp lực hơn trong cả việc học và việc lựa chọn ngành nghề” – thầy Thịnh nhấn mạnh.
Không giảm mà tăng việc học thêm, dạy thêm
Theo thầy Thịnh, việc Bộ GD & ĐT vừa thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm cho tất cả các môn (trừ môn Văn) là cách làm không mới khi năm 2007 Bộ đã đưa ra vấn đề này. Tuy nhiên việc thay đổi đột ngột sang thi trắc nghiệm hiện nay là chưa phù hợp bởi những lý do sau:
Số lượng câu hỏi trong đề thi quá ít, khó đảm bảo được bản chất của việc kiểm tra đánh giá. Ta đều hiểu học sinh chỉ cần tô bừa cũng có thể dễ dàng đạt điểm 4. Các nước tổ chức thi theo hình thức thi trắc nghiệm khi ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hóa, đã được thử nghiệm và đánh giá là đạt yêu cầu, bên cạnh đó số câu hỏi cho một bài thi đủ để đánh giá, phân loại thí sinh, hạn chế tối đa việc "khoanh bừa”.
“Trắc nghiệm và tự luận đều có mục đích chung là đánh giá quá trình dạy và học. Làm căn cứ để xét tuyển lên các bậc học cao hơn. Tuy nhiên mỗi cách thi lại có phương pháp dạy và học khác nhau, Bộ nên có thời gian tối thiểu là 3 năm để giáo viên và học sinh cùng làm quen, cùng rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Áp dụng đột ngột là chưa phù hợp” – thầy Thịnh phân tích thêm.
Trả lời câu hỏi, phải chăng việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm này giúp hạn chế tình trạng học thêm, thậm chí chỉ cần học kỹ sách giáo khoa là có thể đạt điểm tối đa?- Thầy Thịnh cho rằng đây là một ý kiến chủ quan, thiếu thực tế và không phải của người làm giáo dục. Bởi ngay cả phụ huynh học sinh còn nhận ra, nếu không đi học thêm thì khó có thể làm được các câu điểm 7,8 trong đề thi chứ chưa nói đến đạt điểm tối đa.
“Nhận thức và tư duy là một quá trình đòi hỏi thời gian chứ không phải vài ba tháng là có thể có được. SGK là kiến thức nền tảng để từ đó học sinh có thể vận dụng, tư duy giải quyết được vấn đề.
Với lượng kiến thức lớn, thời gian học trên lớp rất ít, chưa kể thời gian đó còn kiểm tra bài cũ, kiểm tra 15 phút, 45 phút, thực hành, thi học kỳ,… thì học sinh hiểu được kiến thức SGK đã là một thách thức lớn chứ đừng nói đến vận dụng.
Vậy để rút ngắn thời gian thích nghi học sinh chỉ còn một cách là đi học thêm để được hướng dẫn phương pháp tư duy, phương pháp rèn luyện một cách đầy đủ để phù hợp. Từ đó có thể kết luận việc áp dụng hình thức thi hiện nay không làm giảm học thêm, dạy thêm mà còn tăng nhu cầu dạy thêm học thêm”- thầy Thịnh nhấn mạnh.
Do đó, thầy Thịnh cho rằng, ủng hộ mục tiêu của Bộ GD & ĐT hiện nay tuy nhiên việc đầu tiên cần làm là thay đổi khung chương trình giáo dục tổng thể, thay đổi triết lý giáo dục trước cùng với đó là thay đổi cách kiểm tra đánh giá một cách đồng bộ áp dụng cho từng năm trong 12 năm.
Sau 12 năm chúng ta đã có một bộ chương trình chuẩn, có thời gian rút kinh nghiệm và có nội dung giáo dục, kiểm tra đánh giá mới phù hợp với chuẩn quốc tế. Cách làm này giáo viên, học sinh và PHHS cũng có thời gian để chuẩn bị ngay từ đầu lớp 1 không bị đột ngột.