Thúc đẩy tiêu dùng xanh để xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững
Đó cũng chính là mục tiêu của Hội thảo với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ môi trường – Vai trò của trí thức” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam (VAFIW) tổ chức ngày 9/12/2024.
Tham dự và điều hành Hội thảo có GS.TSKH. Phan Xuân Dũng – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VUSTA; GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch VAFIW, PGS.TS. Bùi Thị An – Phó Chủ tịch VAFIW cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS Phan Xuân Dũng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của hội thảo này trong bối cảnh biến dổi khí hậu (BĐKH) và suy thoái môi trường đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt của cuộc sống, ảnh hưởng đến mọi gia đình, không loại trừ một quốc gia nào, kể cả các nước phát triển. Việc làm rõ các giải pháp khác nhau, trong đó có thúc đẩy tiêu dùng xanh (TDX) là một trong những hành động thiết thực để tiến tới thực hiện mục tiêu Việt Nam đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050.
GS Phan Xuân Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng trong việc thúc đẩy TDX, làm động lực để khuyến khích sản xuất xanh (SXX) và thương mại xanh (TMX).
11 báo cáo tham luận được các diễn giả trình bày tại Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin nóng về thực trạng về TDX, SXX và TMX hiện nay: Nhiều mảng tối nhưng cũng không ít mảng sáng, mang lại một bức tranh hi vọng.
Như TS Nguyễn Ngọc Sơn – Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ: Sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng về nguồn thực phẩm sạch trong diện kiểm soát, tạo nên thương hiệu Green Food Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng gấp nhiều lần số đó là những nguồn thực phẩm không truy xuất được nguồn gốc thì đang là một thách thức cực kỳ lớn. Chỉ khi TDX trở thành xu hướng chủ yếu thì SXX mới khẳng định được vị trí của mình.
TS Lê Việt Nga (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương) nêu bật vai trò quan trọng của hệ thống phân phối xanh để làm sao người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm xanh và dịch vụ xanh, tức là kết nối giữa SXX với TDX. Nếu doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường, nếu truyền thông hiệu quả để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng thì sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng TDX và bền vững.
Một lĩnh vực khác cũng khá quan trọng trong TDX là làm sao để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm được sản xuất từ năng lượng xanh (năng lượng tái tạo) và sử dụng tiết kiệm năng lượng như tham luận của PGS.TS. Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam.
TS Trần Thị Dung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng vẫn rất trăn trở với câu hỏi: Ai sẽ là người bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để họ được sử dụng sản phẩm xanh và trở thành người TDX, khi những sản phẩm xanh vẫn đang ưu tiên cho việc xuất khẩu là chính? Làm sao để sản phẩm nào đến tay người tiêu dùng cũng đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kiểm soát được nhãn hàng và quảng cáo sản phẩm?
Th.S. Phạm Thị Lý – Chủ nhiệm HTX hữu cơ và thảo dược Việt Nam với tham luận “Ứng dụng giải pháp hữu cơ vi sinh liên kết với sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị thúc đẩy tiêu dùng xanh để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng” đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, với mong muốn tạo mô hình sản xuất nông nghiệp sinh học theo chuỗi liên kết 5 "nhà": Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà sản xuất, Nhà phân phối và Người tiêu dùng.
GS Lê Mai Hương (Phó Chủ tịch VAFIW) với tham luận: “Thảo dược, tiêu dùng xanh và chiến lược chống lão hóa thần kinh”, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh) giới thiệu mô hình giảm rác thải nhựa, ông Đặng Hoàng Biên (Công ty cổ phần Tập đoàn MAVIN)…đã mang đến hội thảo nhiều thông tin bổ ích về thúc đẩy TDX để bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng có nhiều ý kiến đóng góp, thể hiện sự quan tâm lớn của họ đối với vấn đề đặt ra tại Hội thảo.
TS Lê Công Lương – Tổng thư ký kiêm Trưởng ban KHCN của VUSTA đánh giá: Hội thảo rất ấn tượng cả về nội dung và hình thức trình bày, về sự điều hành của Ban tổ chức, tạo nên hiệu quả tích cực, thể hiện thành công của sự phối hợp giữa VUSTA và VAFIW.
Kết luận Hội thảo, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch VAFIW khẳng định: Hội thảo đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của TDX. Cơ hội nhiều, nhưng thách thức đặt ra không ít, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều giải pháp để truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, khuyến khích sản xuất xanh và tăng cường hơn nữa tư vấn chính sách để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho TDX, SXX và TMX cùng phát triển, hướng tới Net Zero, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ mà Hội Nữ trí thức Việt Nam đặt ra cho mình trong thời gian tới. Và hi vọng rằng, với sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa VUSTA và VAFIW, chắc chắn những mục tiêu mà hai bên đặt ra sẽ hoàn thành với sức mạnh tổng hợp để có được thành quả tốt hơn.