Thực thi quy định cấm thuốc lá mới – Những kinh nghiệm hay
Ths Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một thành công lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ths Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ tại Hội thảo - Ảnh: VGP |
Những sản phẩm này không chỉ gây nghiện mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe như tổn thương phổi, các bệnh tim mạch và ung thư. Đặc biệt, những sản phẩm này không phải là giải pháp an toàn thay thế cho thuốc lá truyền thống.
Hiện, Bộ Y tế đang dự thảo các văn bản liên quan, sau đó trình các cấp có thẩm quyền để sớm triển khai quy định này.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, quy định cấm toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nung của Việt Nam rất sáng suốt và kịp thời. Đây là một quy định rất mạnh mẽ, thể hiện sự đồng thuận cao khi được Quốc hội Việt Nam thông qua.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - Ảnh: VGP |
Theo đó, Việt Nam đã quy định cấm toàn diện đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bao gồm cả kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, sử dụng, quảng cáo… Đây là một nền tảng rất tốt trong bảo vệ cả một thế hệ trẻ của Việt Nam.
Cũng theo ThS Lâm, kinh nghiệm của các quốc gia đã thực thi hiệu quả quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho thấy, việc thực thi cần phải thực hiện đồng thời trên cả môi trường gồm thực địa (cửa khẩu…) và online (môi trường trên mạng).
"Chúng ta cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Telegram, Shopee, Lazada…để họ có trách nhiệm gỡ việc bán hàng, quảng cáo các sản phẩm này trên các nền tảng của họ.
Đồng thời, phải có giám sát người sử dụng, giám sát mức độ bán hàng và có các cuộc khảo sát về tình hình sử dụng…, đồng thời truyền thông về quy định cấm, tác hại của việc sử dụng, chế tài xử phạt với từng hành vi vi phạm, ngăn chặn buôn bán tại các cửa khẩu…là những hoạt động hiệu quả thực thi quy định cấm này một cách hiệu quả", đại diện tổ chức WHO chia sẻ.
TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cũng chia sẻ, hiện nay trên thế giới có 43 quốc gia đã triển khai cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 39 quốc gia cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan như buôn bán, quảng cáo, sử dụng, vận chuyển…
Riêng tại khu vực Asean có 6 quốc gia đã có quy định cấm, trong đó có 5 quốc gia quy định cấm từ năm 2014-2016.
TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, Hồng Kông là quốc gia trước đây quản lý thuốc lá như dược phẩm, tuy nhiên sau 3 năm triển khai, đất nước này đã cấm toàn diện các loại thuốc lá mới.
Kinh nghiệm của Singapore đó là cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sở hữu, bán, phân phối và sử dụng các dạng sản phẩm mô phỏng, bắt chước thuốc lá, các linh kiện, sử dụng, lưu hành của Sing…
Thực thi quy định cấm thuốc lá mới – Những kinh nghiệm hay |
Nếu vi phạm lần đầu trong nhập khẩu, phân phối, mua bán, chào bán, sở hữu để bán bất kỳ sản phẩm thuốc lá mô phỏng thì Singgapore phạt tới 10.000 USD Singgapore hoặc phạt tù có thời hạn không quá 6 tháng hoặc cả hai. Các lần vi phạm tiếp theo, phạt tiền lên tới 20.000 USD Singgapore hoặc phạt tù tới 12 tháng hoặc cả hai.
Hành vi đưa các quảng cáo được phát hành bên ngoài Singgapore vào phân phối tại Singgapore, thì phạt tới 10.000 USD Singgapore hoặc phạt tù tới 6 tháng hoặc cả hai…
Cấm các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay đang được coi như biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, giúp bảo vệ sức khoẻ của người dân trước tác hại của thuốc lá mới.