Tìm giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Hậu Giang là tỉnh đầu tiên được Bộ NN-PTNT chọn tổ chức lễ phát động Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, vào cuối tháng 12/2024.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Đề án không chỉ mang lợi ích trực tiếp cho người nông dân trồng lúa, mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo. |
Tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu, đến năm 2025 triển khai diện tích thực hiện đề án là 28.000ha, tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT); đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.
Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Trong năm 2024, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững...
Các mô hình thí điểm tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình cho rằng, muốn thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần loại bỏ dần tình trạng mua bán lúa gạo kém bền vững; khuyến khích liên kết từ khâu sản xuất-thu hoạch-bảo quản-chế biến, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường (ổn định, nâng cao giá bán)… Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế tình trạng “bẻ kèo” giữa doanh nghiệp và nông dân. Đây cũng là cách để thực hiện “100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” như mục tiêu đề án đặt ra.
Xuất, nhập khẩu tại ĐBSCL. |
“Với mong muốn tăng cường liên kết của các bên tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Mong các diễn giả tham gia Hội thảo với các tham luận sẽ nêu bật lên được những hạn chế trong việc thực hiện mô hình Đề án, đề xuất các giải pháp canh tác lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, khung đo đếm, báo cáo, chứng nhận giảm phát thải và đặc biệt xác định được vai trò của các bên tham gia. Từ đó, tìm ra được giải pháp làm thế nào để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ.