Hội thảo quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ I năm 2024
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và 90% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây ĐBSCL đã trở thành một trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún... Bên cạnh đó, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hàng năm… làm cho sản xuất lúa đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư.
Các chuyên gia trao đổi tại phiên thảo luận. |
Theo Tiến sĩ Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5-11 triệu tấn các loại. Thời gian gần đây mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 6,5-7 triệu tấn phân bón các loại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hàng triệu tấn phân bón mỗi năm, riêng năm 2023 đã nhập hơn 4,1 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD; 10 tháng đầu năm 2024 nhập 3,5 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD. “Theo tôi, ngành nông nghiệp chiếm một phần đáng kể lượng khí thải nhà kính, trong đó có một phần do sử dụng phân bón chưa hoàn toàn phù hợp. Sử dụng phân bón hóa học mất cân bằng có thể làm thay đổi độ pH của đất và làm tăng sự tấn công của sâu bệnh, dẫn đến giảm carbon hữu cơ trong đất và các sinh vật hữu ích, kìm hãm sự phát triển và năng suất của cây và dẫn đến phát thải khí nhà kính…”, Tiến sĩ Phùng Hà nói.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, hiện nay còn tình trạng lạm dụng quá nhiều phân hóa học trên lúa và các cây trồng khác, đây là điều cần sửa đổi ngay.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng nêu lên quan điểm cho rằng, Việt Nam còn hạn chế cơ sở dữ liệu và phổ cập bón phân đúng trong canh tác lúa; thiếu đồng bộ cơ sở dữ liệu và bón phân theo vùng chuyên biệt. Nông dân làm theo tập quán, chưa có thông tin đầy đủ và tin vào các thực hành tốt.
Tình trạng sử dụng nhiều phân bón và đốt đồng ở ĐBSCL. |
Bên cạnh đó là hạn chế công nghệ, kỹ thuật bón phân trong canh tác lúa, dẫn đến lượng giống cao, phân cao, bón phân dư thừa, bón không đúng cách, đúng chỗ. Ngoài ra, việc đốt rơm gây mất dinh dưỡng, thất thoát 100% đạm chứa trong rơm, gây ô nhiễm và phát thải. Việc vùi rơm tươi vào ruộng ngập nước, không kịp phân hủy, gây ngộ độc hữu cơ…
Thực tế sản xuất lúa tại ĐBSCL cho thấy, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý đã làm cho chất lượng đất giảm đi, có thể nói là làm cho đất bị suy thoái. Tại các vùng đất lúa 3 vụ, để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Mô hình canh tác lúa giảm phát thải, sản xuất phân hữu cơ ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ. |
Bên cạnh đó, thực trạng đốt rơm rạ ngay trên đồng không chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Việc cày vùi rơm rạ chưa qua xử lý, đất luôn ngập nước sẽ làm ảnh hưởng đến chất hữu cơ trong đất, lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ và tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.