Tổng hội Y học Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực phòng chống dịch Covid-19
PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.
Ngay từ những ngày đầu phát hiện dịch, Tổng hội đã có các văn bản chỉ đạo các Hội thành viên, tổ chức NGO trực thuộc thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid -19 của Đảng, Nhà nước; sẵn sàng hưởng ứng, huy động nhân lực, các hội viên là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và những người nghỉ hưu có sức khỏe tham gia cấp cứu, kháp chữa bệnh và phòng chống dịch khi có yêu cầu. Tổng hội đã vận động cán bộ, các hội thành viên tổ chức quyên góp phòng chống dịch bệnh. Chủ tịch Tổng hội và Trưởng đại diên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Viện chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã trao tài liệu phòng chống các bệnh không lây nhiễm, tặng máy đo huyết áp cho các trạm y tế tỉnh Bắc Giang và tài trợ khoảng 500.000 khẩu trang, thuốc sát trùng cho các bệnh viện; vận động Công ty Minh Anh tài trợ 35.000 khẩu trang cho Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, trao 35.000 khẩu trang cho Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh, 35.000 khẩu trang và 100 triệu cho bệnh viện K, Viện Huyết học Truyền máu TW và nhiều bệnh viện khác. Các Hội thành viên như Truyền nhiễm Việt Nam, Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Y học dự phòng Việt Nam đã phối hợp với Bệnh viên Nhiệt đới TW, Viện Vệ sinh dịch tễ TW và các đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp với các Vụ, Cục của Bộ Y tế xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp do SARS-CoVi-2 (Covid-19), góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây truyền và tử vong do dịch bệnh gây ra. Hội Điều dưỡng Việt Nam đã phối hợp với WHO tại Việt Nam xây dựng các video ngắn truyền thông về vai trò của điều dưỡng trong phòng chống dịch bệnh, đưa thông tin dịch Covid-19 lên trang website của Hội; phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tham gia trao đổi trực tuyến về bảo vệ sức khỏe cho “chiến sĩ áo trắng” trong đại dịch Covid-19.
Cùng với việc phối hợp với các Hội chuyên ngành và các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền nâng cao kiến thức, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe của người dân tại cộng đồng, Tổng hội Y học Việt Nam còn phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế, Hội truyền nhiễm Việt Nam và các chuyên gia tổ chức 7 lớp tập huấn truyền thông về y đức, y nghiệp và xử lý sự cố y khoa, phòng chống dịch Covid-19; tổ chức cấp chứng nhận cho cán bộ y tế tại Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình.
Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á (MASEAN) nhiệm kỳ 2018-2020, Chủ tịch Tổng hội Việt Nam đã có 2 thư gửi Chủ tịch Hội Y học các nước MASEAN kêu gọi tiếp tục đoàn kết, hành động, góp sức cùng Chính phủ, ngành y tế để cùng chung sức vượt qua đại dịch Covid-19 và chia sẻ gánh nặng của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong từng quốc gia. Đồng thời tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như những sáng kiến trong việc chống đại dịch Covid-19 theo cách phù hợp nhất đối với các quốc gia trong khối. Ngày 12/12, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên trên cương vị Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “chia sẻ kinh nghiệp phòng chống dịch Covid -19 ở các nước Đông Nam Á”.
Cùng với thành tích nổi bật về phòng chống dịch Covid-19, trong năm 2020, Tổng hội Y học Việt Nam đã làm tốt công tác phát triển hội với kết quả vận động thành lập Hội Y dược tỉnh Phú Thọ; kết nạp Hội Y học Giấc ngủ và Hội Tiết chế Dinh Dưỡng Việt Nam là thành viên của Tổng hội, nâng số lượng thành viên của Tổng hội lên 109 (có 51 Hội chuyên khoa và 58 Hội Y học địa phương). Tổng hội còn quyết định thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo y khoa liên tục; xây dựng đề án nhân sự, chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Tổng học Việt Nam khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội đã phối hợp với các Hội Tim mạch, Hô hấp, Nội tiết - Đái tháo đường, Hen, Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với việc rà soát Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp và đề xuất nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tuyến y tế cơ sở hiện nay. Thực hiện rà soát sửa đổi, bổ sung Bộ công cụ giám sát và xây dựng Kế hoạch tổ chức Giám sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở y tế năm 2020; đóng góp ý kiến về vấn đề đấu thầu, đàm phán giá thuốc, về “Đề án đánh giá tổ chức, hoạt động của Hội, các giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động khi được cấp phép”; tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật phòng chống HIV/AIDS và dự thảo luật “Chuẩn năng lực bác sĩ y học cổ truyền Việt Nam” và tổ chức hội thảo xin ý kiến Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến trong điều trị ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025”. Đối với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, Tổng hội đã tổ chức thành công Hội nghị khoa học với chủ đề “Lựa chọn thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả trong điều trị” và phối hợp với WHO, Bộ Y tế tổ chức hội nghị khoa học năm 2020 với chủ đề “Phòng chống kháng kháng sinh”; phối hợp với Hội Phổi Việt Nam tổ chức Hội thảo đồng thuận các nhà khoa học về “ Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: từ bản chất tới thực hành”; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế, các Hội thành viên tổ chức nhiều hội thảo khoa học, cập nhật kiến thức y khoa…
Từ những thành công năm 2020, Tổng hội cũng đã xác định những nội dung chính tiếp tục phát triển tổ chức, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng, công tác tư vấn phản biện, giám định xã hội và nghiên cứu khoa học, đào tạo cho năm 2021 là năm cuối nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Tổng hội Y học Việt Nam khóa XVI.
THU TRANG