TP.HCM đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, hỗ trợ gói an sinh xã hội đến lao động nghèo
Người dân TP.HCM nhận túi an sinh xã hội
Đẩy mạnh xét nghiệm Covid diện rộng
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 501.649 ca mắc, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca mắc).
Riêng tại TP.HCM, số ca nhiễm mỗi ngày đều trên 1000 ca, số ca mới hầu hết đều phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng và hoạt động nhập cảnh. Thành phố đang điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó: có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan, thành phố tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ y tế, tình nguyện viên đã tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm tại khắp các hẻm, khu phố.
Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người dân phải lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Nhân viên Y tế hướng dẫn điều trị, chăm sóc F0 tại nhà
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, cán bộ y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình. Ngay cả “vùng xanh”, người dân được tổ chức xét nghiệm để sàng lọc, đảm bảo an toàn.
Đến nay, thành phố cơ bản đã hoàn thành xét nghiệm đợt 1 ở tất cả các vùng, đẩy mạnh hoàn thiện xét nghiệm diện rộng đợt 2. Theo đánh giá sơ bộ, tỉ lệ dương tính ở vùng xanh, vùng cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%; vùng cam, vùng đỏ là 3,6% (đợt 1) và 2,7% (đợt 2).
Hỗ trợ gói an sinh, chăm lo tất cả lao động
Thời gian qua TP giải ngân trên 3.586 tỉ đồng, thực hiện 2 gói hỗ trợ an sinh với các nhóm đối tượng khác nhau. Gói thứ nhất hướng đến đối tượng lao động tự do mất việc làm, đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh bán bưng, những người yếu thế trong xã hội. Số lượng lao động tự do được hỗ trợ theo nghị quyết 09 là 230.000 người. Qua rà soát để bổ sung thì nhóm này tăng lên hơn 1.1 triệu người.
Gói thứ hai hỗ trợ tiền mặt 1.5 triệu đồng/người đối với nhóm lao động nghèo, hộ gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Qua rà soát của thành phố, nhóm này tăng lên 1.3 triệu hộ với hơn 4 triệu nhân khẩu.
Tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trên diện rộng
đặc biệt là vùng nguy cơ cao và rất cao
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gói này, số lượng người cần hỗ trợ biến động liên tục, quá trình tiếp cận, xác minh, thống kê danh sách cụ thể mất nhiều thời gian... khiến công tác giải ngân các khoản trợ cấp còn chậm trễ, chưa bao phủ hết toàn địa bàn.
Để khắc phục khó khăn trên, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương phải xuống tận nhà dân ghi nhận, vận động người dân lập danh sách, phản ánh với chính quyền. Ngoài ra, người dân đủ điều kiện được cấp phát các túi an sinh, gói hỗ trợ của Thành phố cũng có thể đăng ký nhận qua ứng dụng mang tên “An sinh”, Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hoặc ứng dụng Zalo.
Trong thời gian tới, lãnh đạo TP.HCM cho biết đang lên kế hoạch nới lỏng giãn cách theo khu vực, tiếp tục hỗ trợ đời sống cho người dân, ít nhất là từ nay đến cuối năm dựa theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Hữu Long