Treo tính mạng trên cầu phao cũ nát
Cây cầu phao chồng chềnh bắc qua sông cầu Chày
Được biết, cầu phao bắc qua sông cầu Chày có từ năm 1990 do một số hộ dân đóng góp, xây dựng nên. Đến năm 1997 huyện Thiệu Hóa giao cho UBND xã Thiệu Long quản lý tuy nhiên nguồn ngân sách không phân bổ cho việc duy tu, bảo quản cầu nên để duy trì hoạt động của cầu chính quyền xã Thiệu Long đã giao lại cho tư nhân quản lý, xã chỉ quản lý chung.
Hai thôn Tiên Long và Tiên Nông bị ngăn cách với trung tâm xã bởi sông cầu Chày. Mọi hoạt động từ việc đi chợ, y tế cho đến việc đưa con, cháu đi học đều phải phụ thuộc vào cây cầu phao cũ nát có tuổi thọ 20 năm này. Không những thế, người dân bên kia sông để sản xuất nông nghiệp (hơn 10ha) bên này sông cũng phải vất vả đi qua cầu phao chao đảo, chềnh choàng.
Mỗi dân phải dắt bộ khi đi qua cây cầu phao
Có mặt tại đây vào một buổi sáng, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh người dân lũ lượt hàng hóa ra chợ, học sinh rồng rắn kéo nhau trên chiếc cầu mục nát nguy hiểm đến trường. Cây cầu có chiều dài khoảng 50m, rộng gần 2m, mặt cầu làm bằng tre, luồng, tấm ván cũ kỹ, phao của cây cầu làm bằng xi măng, 2 bên cầu không có lan can, tấm chắn bảo vệ. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt người qua lại chủ yếu là người dân đi chợ và học sinh đến trường.
Một người dân cho biết, nếu thời tiết thuận lợi không mưa, không gió thì có thể đi qua cầu phao bình còn phát huy tác dụng, là cầu nối giúp người dân qua lại, song vào mùa mưa lũ đặc biệt là từ tháng 8 đến tháng 11 thì cây cầu trở nên vô dụng.
Ông Lê Anh Đường - Trưởng thôn Tiên Long cho biết, “cây cầu có từ những năm 90 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân vẫn phải sử dụng. Người dân chúng tôi mong có một cây cầu mới từ lâu lắm rồi. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã có ý kiến nhiều lần tuy nhiên đến nay điều đó cũng chỉ mơ ước”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tình - Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cũng không giấu niềm mong mỏi về một cây cầu mới, ông Tình cho biết: Cây cầu để lại nhiều bất cập, hằng năm tại đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn. Mặt cầu được làm bằng luồng, tre và ván cũ nối lại, phao làm bằng xi măng. Do không có nguồn ngân sách để tu bổ cầu nên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn tu sửa duy nhất để cho cây cầu tồn lại là hộ được giao trông coi cầu thu 3kg thóc/ khẩu/năm; đối với xe máy, mỗi xe máy đóng góp 30.000 đồng/năm; khách vãng lai đến thu 2000 đồng/ lượt…) tuy nhiên nguồn thu ít ỏi này cũng chỉ đủ để trả công cho người trông cầu.
Kết cấu thô sơ của cây cầu phao
Hiện cây cầu phao phục vụ cho khoảng 230 hộ dân, tương đương với gần nghìn nhân khẩu của 2 thôn Tiên Long và Tiên Nông. Vào mùa mưa lũ, nước sông cầu Chày dâng cao chính quyền buộc phải đóng cầu. Những năm trước UBND xã có đầu tư một chiếc thuyền để chở người vào mùa mưa lũ nhưng năm nay chiếc thuyền đã bị hỏng, không thể sử dụng được vì thế năm xã đã làm hợp đồng thuê 2 chiếc thuyền cào hến của hai hộ dân trong xã. “Thuyền cào hến mà xã thuê sử dụng cho mùa lũ năm nay không thể an toàn, thuyền cũng như chủ thuyền đều không có giấy chứng chỉ hành nghề nhưng thực tế không làm như thế thì cũng không còn cách nào khác - Ông Tình bộc bạch.
“Gần đây tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Thiệu Hóa, chủ tịch huyện cũng như các cử tri đã có ý kiến, đề xuất về những bất cập của cây cầu này đến Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng cũng đã tiếp thu ý kiến. Chúng tôi cũng đang rất kỳ vọng sắp tới sẽ có một cây cầu mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân” - Ông Tình mong mỏi.
Đà Giang – Hồng Hạnh