Trọng dụng nhân tài theo cách của Bác Hồ kính yêu
Người rất quan tâm đến việc sử dụng cán bộ, nhân tài, vận động, thu hút những người có khả năng, có uy tín, có trách nhiệm, tâm huyết, vì dân, vì nước tham gia vào bộ máy chính quyền để phụng sự quốc gia, dân tộc. Người đặc biệt chú trọng phát hiện và trọng dụng nhân tài đối với những người ngoài Đảng, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Người trực tiếp soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thông qua (2/1930), ngoài chủ trương đoàn kết công nông, hai giai cấp cơ bản, chủ lực quân của cách mạng, Người đã nêu quan điểm đoàn kết với cả các những người thuộc tầng lớp trung, tiểu, đại địa chủ, tư sản có tinh thần yêu nước, lôi kéo họ về phe cách mạng. Quan điểm của Người được thể hiện rõ trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Đó là: liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chủ trương cầu hiền tài ra giúp dân, giúp nước. Ngày 20/11/1946, báo Cứu quốc đăng Thông lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó…”
Chính nhờ có quan điểm thật thà đoàn kết, trọng dụng nhân tài được phổ biến rộng rãi tới tất cả các tầng lớp nhân dân và thực hiện hiệu quả, nên mặc dù còn có những suy nghĩ, chính kiến khác nhau nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đông đảo nhân sĩ, trí thức thuộc các đảng phái, giai tầng khác nhau trong nước tham gia.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận động, thu hút được rất nhiều nhân vật quan trọng của Triều đình nhà Nguyễn, Chính phủ Trần Trọng Kim, các tổ chức đảng phái cùng trí thức Việt Nam ở trong và nước ngoài tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đi theo cách mạng. Có thể kể đến vị vua cuối cùng của triều đình Nhà Nguyễn cũng như của chế độ phong kiến Việt Nam là Bảo Đại. Ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, tham gia làm Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, sau đó được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Cụ Nguyễn Văn Tố, một nhà trí thức lớn, Chủ tịch Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, tham gia giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; sau đó được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước nổi tiếng, từng tham gia lãnh đạo Phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Sau khi ra tù, cụ tham gia ứng cử, làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ, sau đó làm chủ bút báo Tiếng dân. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư mời cụ tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp. Khi Linh mục Lê Hữu Từ được tấn phong chức Giám mục, phụ trách địa phận Bùi Chu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Cố vấn Vĩnh Thuỵ… tham dự lễ tấn phong. Người gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ: “Mừng Ngài về cuộc tấn phong này đã chứng tỏ một cách vẻ vang đạo đức của Ngài. Mừng đồng bào Công giáo vì từ nay các bạn đã được một vị lãnh đạo rất xứng đáng. Đồng thời tôi mừng cho nước ta vì tôi chắc rằng: Ngài sẽ lãnh đạo đồng bào Công giáo noi theo Đức Chúa mà hy sinh phấn đấu để giữ quyền Tự do và Độc lập của nước nhà”. Ngày 25/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phát Diệm và đề nghị Giám mục Lê Hữu Từ đảm nhận chức Cố vấn tối cao cho Chính phủ. Luật sư Phan Anh từng là Tổng trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật trước đó, cũng được Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Một số chuyên gia, nhân sĩ như: Nguyễn Mạnh Hà, một người Công giáo không đảng phái, làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế; Đào Trọng Kim làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính; Dương Đức Hiền làm Bộ trưởng Thanh niên,...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng ở miền Nam như Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Minh Siêng, Lâm Văn Tết, Dương Quỳnh Hoa… đã tích cực tham gia, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Các nhân sĩ, trí thức miền Bắc như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, các ca sĩ nổi tiếng vừa tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, vừa sáng tác, đem lời ca, tiếng hát, bài thơ, bản nhạc, kịch bản phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Như vậy, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, với vai trò là lãnh tụ của Đảng, đứng đầu Chính phủ, khai sinh Nhà nước, Quân đội, bằng tài năng và trách nhiệm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy lợi ích dân tộc, đoàn kết quốc gia làm tối thượng, đã có những quan điểm, cách thức đúng đắn, sáng tạo, khéo léo trong việc vận động, cảm hoá, tập hợp và trọng dụng hiền tài. Người đã phát huy được tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, nhiệt tình, trí tuệ của các nhân vật hoạt động chính trị, xã hội, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có tài, có đức trong mọi lĩnh vực, không phân biệt quan điểm, chính kiến, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một di sản, bài học kinh nghiệm quý về vấn đề phát hiện, vận động, trọng dụng nhân tài để xây dựng đất nước mà Người để lại cho dân tộc.
PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện Lịch sử Đảng