Trung tâm khu vưc miền Trung về Y hoc Hạt nhân và xa trị: "Lá chắn" ngăn bệnh ung thư
Qua đó, giúp các bác sỹ chẩn đoán chính xác hơn và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác điều trị cũng như giảm thiểu chi phí cho các bệnh nhân. Trung tâm được Chính phủ phê duyệt và xây dựng bằng nguồn vốn ODA Hàn Quốc, nguồn viện trợ của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và nguồn vốn Nhà nước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư ngày nay đang là một trong những căn bệnh không lây nhiễm phổ biến, gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn người mắc ung thư, trong đó phân nửa bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Riêng khu vực miền Trung nghèo khó, mỗi năm có hơn 20 nghìn người mắc mới căn bệnh quái ác này.
Nhiều bệnh nhân ở miền Trung phải khánh kiệt kinh tế vì chạy đôn chạy đáo, giật gấu vá vai để ra Hà Nội, vào TPHCM chữa bệnh. Điều trị đã tốn kém, cơ hội chữa khỏi bệnh cũng thấp vì hầu hết khi phát hiện bệnh đang ở giai đoạn cuối hoặc gần cuối bởi đa số bệnh nhân không có cơ hội tầm soát, kiểm tra, phát hiện sớm mầm bệnh ngay từ đầu...
Xuất phát từ thực tế đó cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm thành lập Trung tâm Y học Hạt nhân và Xạ trị. Cuối tháng 5-2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xây dựng Trung tâm khu vực miền Trung về Y học Hạt nhân và Xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Sau hơn 8 năm triển khai các thủ tục, tiến hành xây lắp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngày 10-9-2014, Trung tâm đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất của hệ thống chụp PET/CT, SPECT/CT của GE Mỹ, với một đơn vị sản xuất dược phóng xạ độc lập (hệ thống Cyclotron) công nghệ Hàn Quốc.
Ðây là hệ thống có những đặc thù riêng, kết hợp giữa đơn vị y khoa chẩn đoán, đơn vị lò hạt nhân Cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ và đơn vị sản xuất, phân phối thuốc phóng xạ thứ 3 tại Việt Nam hiện nay. Tổng vốn đầu tư Hệ thống Kỹ thuật y khoa hiện đại này là 12 triệu USD, trong đó nguồn vốn ODA Hàn Quốc 10 triệu USD và vốn Nhà nước 2 triệu USD. Ngoài ra, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ viện trợ gần 4 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trung tâm khu vực miền Trung về Y học Hạt nhân và Xạ trị đi vào hoạt động sẽ giúp phát hiện sớm các tổn thương và di căn do ung thư; chẩn đoán các bệnh về tim mạch, thần kinh, nội tiết... Đồng thời, góp phần làm vơi nhẹ sự vất vả của những gia đình nghèo có người thân mắc bệnh.
Với hệ thống kỹ thuật y khoa hiện đại, Trung tâm khu vực miền Trung về Y học Hạt nhân và Xạ trị sẽ góp phần chẩn đoán sớm bệnh ung thư cho người dân khu vực miền Trung. |
BSCK2 Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Việc trang bị thiết bị y khoa hiện đại, nhiều tiềm năng như PET-CT, đơn vị sản xuất dược phóng xạ độc lập (Cyclotron) cùng với các phương tiện chẩn đoán kỹ thuật hiện đại đồng bộ sẵn có, Bệnh viện Đà Nẵng càng nâng cao hơn nữa chất lượng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị nhiều loại bệnh khó trong lĩnh vực ung bướu, thần kinh và tim mạch, giúp cho người dân được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay trong khu vực mà không cần phải ra đến hai đầu đất nước với chi phí tốn kém. Điều đó vừa giảm được nhiều chi phí, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại...
Trước khi đưa các thiết bị này vào hoạt động, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuẩn bị một đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên đi đào tạo tại nước ngoài. Khi đưa vào vận hành ban đầu có sự tư vấn của chuyên gia Mỹ, vì thế khi đưa vào hoạt động, Bệnh viện có một đội ngũ chuyên viên được đào tạo nghiêm túc và cẩn thận, người bệnh hoàn toàn yên tâm với hiệu quả điều trị có được. Với những ưu điểm mà hệ thống thiết bị này mang lại, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt cho người bệnh ung thư ở khu vực miền Trung...
Theo cadn.vn