Từ “điểm nóng” Covid miền Tây
(SK&MT) - 0 giờ ngày 9/7, TP.HCM bước vào đợt giãn cách thứ hai theo Chỉ thị 16. Sự kiện diễn ra đồng nghĩa với việc các địa phương lân cận rốt ráo ghi nhận, công bố những ca nhiễm mới về từ TP.HCM. Các vệt lây vi rút SARS-CoV-2 đã lan khắp miền Tây...
Tình hình diễn biến phức tạp nóng lên từng ngày từ Long An, Tiền Giang, An Giang và Đồng Tháp đã trở thành điểm nóng nhất miền Tây. Trên các nẻo đường quốc lộ, tỉnh lộ giáp ranh địa phận các địa phương cấp tỉnh đã dựng lên nhiều trạm chốt chặn. Trong địa phận từng tỉnh lại có những vùng giãn cách, khu cách ly xiết chặt di chuyển, thu hẹp phạm vi sinh hoạt, nhằm ngăn chặn các vệt lây từ ngoài vào và chống lây lan rộng trong cộng đồng nội địa. Riêng tỉnh Tiền Giang có tới 80 ổ dịch phải khoanh vùng, cách ly y tế. Các tỉnh Long An, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh,… các ổ địch trong nội địa ngày càng nhiều.
Bệnh viện đa khoa TP.Sa Đéc – nơi chùm ca nhiễm khởi phát giờ đã xác định là ổ dịch lớn nhất Đồng Tháp, tính chất phức tạp tương đương BV Nhiệt đới và BV Bạch Mai
Nóng nhất là quê tôi - Đồng Tháp, sau 16 ngày khởi phát chùm ca nhiễm tại bệnh viện đa khoa Sa Đéc đã tràn ra 5/12 huyện, thành phố, trở thành điểm dịch Covid-19 nóng nhất miền Tây, với trên 400 người nhiễm, 4 người tử vong, hàng ngàn trường hợp F1, F2, F3,… Cả thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành đã được kích hoạt phương án phòng chống dịch cấp độ “nguy cơ rất cao”, thực hiện giãn cách xã hội, trở thành địa phận nguy hiểm, cư dân nơi này trở thành những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bầu không khí vắng lặng bao trùm thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Chậu Thành), Những tin nhắn của cán bộ, cư dân sở tại được phát đi chất chứa tâm trạng lo lắng, hoảng sợ lẫn bức xúc: “Nguồn lây chính là từ một bệnh nhân nữ đẻ ở bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) được chuyển về bệnh viện Sa Đéc”. “Bác sỹ D phải đi cách ly 21 ngày rồi”. “AgriBank chi nhánh huyện Châu Thành là ổ dịch lớn có nguồn lây từ bệnh viện Sa Đéc”. “Bệnh viện Châu Thành đang ổn nhưng bệnh nhân sợ quá trốn viện hết rồi”. “Đang nhiều ở Nha Mân, An Hiệp, Tân Nhuận Đông”. “Trong khu cách ly An Hiệp mới chết một bà già”. “Người ta sợ quá mua tùm lum đồ dự trữ. Chợ Cái Tàu vắng tanh”. “Giờ ở nhà chăm sóc sức khỏe là quan trọng nhất. Chú mày thì suốt ngày đêm đi họp hội, phòng chống dịch”.
Xóm Cầu Củi vắng lặng, đường sá không một bóng người
Từ hơn 1 tuần trước, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong, đã trực tiếp có mặt tại đây chỉ đạo “phòng chống dịch như chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị triển khai các biện pháp thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch,… Giờ đây, cán bộ bất kể tổ chức, ngành nghề từ bộ đội, công an, dân phòng, công chức, y bác sỹ,… đều đã nhập cuộc tất bật công việc chống dịch suốt ngày đêm. Các chốt, trạm kiểm soát dịch triển khai khắp các nẻo đường quê.
Anh Đặng, công an xã An Phú Thuận (Châu Thành), suốt tuần qua cùng anh em xã đội, dân phòng,… tất bật thay phiên canh gác, kiểm soát, hỗ trợ cơ quan y tế truy vết tối ngày, sáng đêm. Anh Đặng cho biết: “Căn nhà bên kia sông phía đối diện xóm cầu Củi có 1 người là công nhân Xí nghiệp may 6 mới xác định bị nhiễm SARS-CoV-2, cũng còn may là mấy tháng nay người này không về nhà”.
Thương mà không dám gần…
Điều oái oăm, những đối tượng cần cảnh giác, tránh xa, nếu phát hiện họ trở về quê nhà phải báo chính quyền, cơ quan y tế lại chính là những thanh niên – những người con quê hương, vốn không chịu bó gối quẩn quanh với đồng đồng, đang bôn ba tận Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai,… kiếm việc thu nhập cao hơn, cải thiện cuộc sống gia đình. Chẳng khác gì ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hôm qua mới phát hiện 1 ca dương tính SARS-CoV-2 về từ TP.HCM, người ta đã rà soát thống kê sơ bộ có tới trên 30.000 người làm ăn xa xứ cần phải giám sát, để ngăn chặn những vệt lây có thể theo chân họ về quê, hơn nữa huyện Châu Thành (Đồng Tháp) vốn gần bến phà Mỹ Thuận năm xưa, bà con năng động, linh hoạt, số người làm ăn xa chắc chắn còn nhiều hơn Phụng Hiệp.
Rốt ráo chuẩn bị một điểm cách ly tập trung
Chưa bao giờ lực lượng năng động, lam lũ làm ăn - niềm tự hào của người dân quê tôi lại là nguy cơ tai hại cho cộng đồng, tới mức ám ảnh, bẽ bàng đến thế. Cả cái xóm Cầu Củi mới khởi sắc, đường sá phát triển, bà con quần tụ, người xe các nơi về thu mua nông sản nhộn nhịp mỗi ngày… giờ bỗng nhiên vắng lặng, căng thẳng như vùng căn cứ được báo trước giờ bị máy bay bỏ bom thời chiến. Trong căn nhà giữa xóm, má Năm cùng 3 đứa cháu nội, ngoại, đứng ngồi không yên, hàng ngày dõi theo vợ chồng anh Tư (con má Năm) đang bươn chải trong “bão dịch” để duy trì nguồn sống cho cả gia đình.
Hình ảnh anh Tư (con má Năm) cùng vợ lái ghe băng băng trên sông nước ngược xuôi khắp vùng, thu mua lúa, giờ như một người hùng của gia đình và cả của những người nông dân chân lấm, tay bùn. “Bà con nông dân tới ngày thu hoạch lúa thì mình phải thu mua về bán cho nhà máy chế biến, không thì lúa chín để trên đồng hư hết. Tiền mình cũng đã đưa trước cho “cò” đặt cọc từ hơn 1 tháng trước rồi, không đi chở lúa về thì bỏ cọc mất bạc trăm, bạc triệu, rồi cuộc sống gia đình sẽ ra sao?” - anh Tư giãi bày.
Vất vả ngược xuôi, cả tháng trời, đêm trước vợ chồng anh Tư mới gom được mấy chục tấn lúa chuyển từ miệt Tám Ngàn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) qua địa phận Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp,…, với hàng loạt lần khai báo y tế cho các trạm kiểm soát dịch đường sông để đến được Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) bán cho nhà máy chế biến gạo. Họ biết dịch đã bùng tại đây từ nhiều ngày qua, thậm chí trong tỉnh này Chủ tịch TX.Cai Lậy còn bị F0, 4 phóng viên dính F1,… Song, vẫn phải bịt khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn, núp dưới ghe, tránh xa những công nhân vác lúa, thường xuyên sát khuẩn, rửa tay, quyết không lên bở khi không cần thiết… để giao lúa. “Chuyển lúa lên kho rồi. Chờ lấy tiền xong chạy về nhà, lên xã khai báo y tế, sẵn xét nghiệm luôn làm “giấy thông hành” đi An Giang chở lúa tiếp chứ đã nghỉ được đâu”, chị Tư dự tính.
Cười ra nước mắt…
Sau khi về nhà, lên xã khai báo y tế, chị Tư mới rõ mình bị liệt vào diện F2. Trước đó 5 ngày, chị Tư ghé nhà thuốc tây MD, ở chợ xã An Phú Thuận, mua mấy thứ thiết yếu đem theo ghe. Khi chị Tư chưa về tới thì cơ quan chức năng đã xác định chủ nhà thuốc MD bị dính F1 vì trước khi chị Tư, đã có 1 nữ công nhân công ty Tỷ Xuân (KCN Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) mua thuốc trị ho, sốt, và người này mới có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Vậy là ông chủ nhà thuốc dính F1, còn chị Tư thì liệt vào diện F2, phải tự cách ly tại nhà.
Các trạm kiểm soát dịch trên các chốt đường đã được xiết chặt
“Tai bay, vạ gió” đến với chị Tư chẳng khác gì đại gia đình bên ngoại (ở phường Tân Hội, TP.Vĩnh Long) - giáp xã An Phú Thuận. Cớ sự do bà hàng xóm làm công trong cơ sở chế biến ếch xuất khẩu của gia đình ngoại đi chợ Cái Tàu nhổ răng, chẳng may gặp phải một người không hề quen biết mà sau đó cơ quan chức năng xác định là F0. Chị ấy bị liệt vào F1, phải cách ly, các thành viên trong cơ sở chế biến ếch bao gồm cả đại gia đình ngoại liệt vào diện F2, F3,… nên lập tức đóng cửa, khóa cổng, nghỉ làm, ăn chơi tại gia dài hạn.
Theo quy định, đến 15 giờ ngày 5/7, đại gia đình ngoại hoàn thành thời hạn 12 ngày cách ly. Vừa xả cổng, dượng Út xách xe chạy xuống cơ quan (UBND phường), thì anh em khuyên ở nhà làm việc online nên quay về sẵn ghé nhà thuốc tây gần cổng cơ quan mua mấy chai diệt khuẩn. Về tới nhà, dượng Út chưa kịp tháo khẩu trang, cơ quan đã dồn dập điện tới tấp, “tuyên án”: “Ông lại dính F2 nữa rồi”. Thì ra người ta mới truy vết, xác định bà bán thuốc tây cho dượng Út là F1 vì trước đó 5 ngày cũng có 1 nữ bị sốt, ho, ghé mua thuốc vừa có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Thật là quá nhọ, chỉ sau 5 tiếng đồng hồ mở cổng, chưa kịp xả hơi, lại thấy mấy chú xung kích, dân phòng, xã đội, công an… đến chặn hai đầu xóm. Cả 5 nóc nhà, hơn 20 người trong đại gia đình ngoại lại lục tục khóa cổng, kéo rào, rút vào… “thi hành án” tiếp tập 2.
“Giờ chả ai dám ghé nhà mình đâu mày ơi. Ai cũng sợ muốn chết. Dượng Út mày tối ngày bịt khẩu trang ở trong phòng chứ đâu có dám ló ra ngoài. Cũng may trong nhà còn mấy bao gạo, còn gà trong vườn, còn cá dưới ao, trứng, khô,… cầm cự qua ngày chớ không thì… chắc chết!”. Nhìn dì Út kể qua mạng Zalo tôi vừa lo vừa không nhịn được cười.
Hôm trước, dì Út điện cho má Năm kêu người chở mấy bao lúa “tiếp tế” cho đàn gà, anh Tư đem tới chốt kiểm soát đầu xóm không vô được đành thẩy đại ở đó, rồi dì Út cử người ra lấy. Giờ thì chị Tư phải tự cách ly tại nhà, không còn ai theo ghe nấu cơm nữa. Anh Tư sẽ xử lý sao đây trước bời bời những cánh đồng đã đặt cọc mua lúa của nông dân tới ngày thu hoạch ở An Giang?
Ở đó, nhiều ổ dịch đã bùng phát, số người nhiễm SARS-CoV-2 đã lên tới hàng trăm và còn đang tiếp tục gia tăng từng giờ. Thành phố Chậu Đốc, huyện An Phú, Châu Phú,… đã kích hoạt phương án phòng chống dịch ở cấp độ “nguy cơ rất cao”. Tình trạng giãn cách xã hội đã ban bố, với các biện pháp xiết chặt, hạn chế di chuyển, vào - ra trên địa bàn nhằm ngăn chặn nguồn lây đã được triển khai.
Ghi chép của VĂN DIỄM
(Còn tiếp)