Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng - Căn bệnh khó trị
Sai phạm quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề nan giải
Tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng
Sự phát triển của công nghệ cũng mang đến những giải pháp quảng cáo ngày càng đa dạng và phong phú với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội, website hiện nay người dùng không khó để bắt gặp những mẫu quảng cáo thực phẩm chức năng.
Các mẫu quảng cáo về những loại thuốc chăm sóc sức khỏe liên tục xuất hiện với tần số dày đặc. Có rất nhiều loại thuốc được giới thiệu đến người dùng từ nhiều hãng sản xuất, thương hiệu không có tên tuổi trên thị trường cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không ít người tiêu dùng đã bị thu hút bởi những mẫu quảng cáo này. Bởi hầu hết những quảng cáo này đều sử dụng những hình ảnh các cơ sở y tế, các nhân viên, bác sĩ hay những người đang làm việc tại các bệnh viện để tăng độ tin tưởng của người tiêu dùng.
Tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn và nhiều đơn vị lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi quảng cáo sai phạm, sai sự thật, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm không chất lượng.
Các mẫu quảng cáo hô biến sản phẩm như một thần dược
Quảng cáo “thần thánh hóa” như thuốc trị bệnh
Để thu hút người tiêu dùng, nhiều mẫu quảng cáo đã thần thánh hóa các loại thực phẩm chức năng như một thần dược. Những loại thuốc này được giới thiệu có công dụng điều trị những căn bệnh nghiêm trọng, bệnh mãn tính và thậm chí là những bệnh hiểm nghèo.
Các sản phẩm được giới thiệu như một sản phẩm vạn năng, có thể chữa trị được bách bệnh. Đặc biệt điều này diễn ra vô cùng phổ biến ở hầu hết các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube nhằm mục đích lừa gạt người tiêu dùng.
Không ít người đã dính phải những chiêu trò lừa gạt này, mất một khoảng tiền lớn để mua những sản phẩm này. Nhất là những người đang mắc các bệnh nghiệm trọng với mong muốn chữa trị dứt bệnh. Thế nhưng kết quả nhận được đều không đúng như quảng cáo.
Nguy hiểm hơn, nhiều quảng cáo còn sử dụng cả hình ảnh của người nổi tiếng để tạo lòng tin cho người tiêu dùng về tác dụng điều trị bệnh. Nhiều người đã tin và không đến cơ sở điều trị mà sử dụng thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Các quảng cáo ngày càng tinh vi để lừa gạt người tiêu dùng
Vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng nghiêm trọng
Tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Không ít các mẫu quảng cáo vẫn liên tiếp xuất hiện, tiếp cận với người tiêu dùng thông qua nhiều phương tiện khác nhau và thậm chí cả nhắn tin qua điện thoại hay gọi trực tiếp.
Các mẫu quảng cáo sản phẩm thường chưa được thẩm định nội dung hoặc quảng cáo không đúng sự thật với nội dung đã đăng ký. Đây là vấn đề nhức nhối và các mẫu quảng cáo ngày càng trở nên tinh vi, nhiều “chiêu trò” để lừa gạt người mua.
Một số đơn vị còn giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép những video phóng sự, phỏng vấn hay gắn logo của đài truyền hình để thực hiện các quảng cáo sai phạm. Nhiều tổ chức, đơn vị vì lợi nhuận nên liên tiếp sai phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Nhiều mẫu quảng cáo sản phẩm thường được lồng ghép với những bài viết nghiên cứu, các tác dụng có trong thành phần được in trên sản phẩm. Hình thức này là tình trạng lợi dụng kẽ hở để vi phạm pháp luật cũng như gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, rất nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và thậm chí làm giả những thương hiệu nổi tiếng để quảng cáo, rao bán trên mạng. Điều này không chỉ vi phạm về vấn đề quảng cáo sai sự thật mà còn là buôn bán hàng giả.
Các thủ đoạn quảng cáo sai sự thật các loại thực phẩm chức năng ngày càng tinh vi hơn. Do đó, người tiêu dùng phải đề cao cảnh giác và cần hiểu rõ “thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh và không có chức năng thay thế thuốc chữa bệnh”.
HỮU LONG