Việt Nam kiên định và không ngừng nỗ lực thực hiện các cam kết COP 26
Chỉ đạo, điều hành quyết liệt
Như chiếc la bàn không ngừng chỉ hướng, những quyết sách về chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu liên tục được ban hành, đã dẫn dắt con thuyền ứng phó với biến đổi khí hậu tiến thẳng về phía trước dù còn đầy sóng gió, thử thách.
Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo giao trong thời gian qua tại Cuộc họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo – cho biết: Từ sau Phiên họp lần thứ 4, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà… nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong trung và dài hạn ở nước ta.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó là các kế hoạch: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại Hội nghị COP28.
COP26: Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 |
Thủ tướng cũng ban hành nhiều đề án quan trọng, như: Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Bám sát và đáp ứng nhu cầu quản lý các lĩnh vực trước yêu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023; danh mục lĩnh vực cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật năm 2024); Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành đã làm việc với nhiều lãnh đạo đối tác quốc tế để thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng.
Các Bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc
Bộ Công Thương đã hoàn thiện nhiều cơ chế cho ngành điện và phát triển năng lượng tái tạo, tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII, chỉ đạo các nhà máy điện than xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang nhiên liệu sạch; tích cực làm việc với các đối tác quốc tế để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng; thiết lập các nhóm làm việc triển khai JETP; làm việc với các đối tác Nhật Bản để rà soát các dự án tham gia Sáng kiến AZEC.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai tích cực hoạt động tăng trưởng xanh, xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút kêu gọi đầu tư cho chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon, đàm phán các khoản vay, đầu tư thực hiện các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH và chuyển đổi năng lượng; ký Bản ghi nhớ khoản vay ưu đãi 500 triệu Euro với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho chuyển đổi năng lượng.
Bộ Ngoại giao đã chủ động trao đổi với các đối tác quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam để thực hiện các cam kết về BĐKH, chuyển đổi năng lượng; tham mưu các cuộc trao đổi, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao với các nước, tổ chức quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì triển khai các Tuyên bố quốc tế về lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; xây dựng các đề án phát thải thấp và tăng hấp thụ carbon rừng; tích cực triển khai Đề án 1triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp.
Bộ Giao thông Vận tải tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ngành giao thông vận tải đối với từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không; xây dựng cơ chế, lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện.
Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải trong ngành xây dựng; đề xuất lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng kiểm kê và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Bộ TN&MT đã xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho tăng cường kiểm kê khí nhà kính, thị trường carbon; theo dõi triển khai thực hiện JETP và Sáng kiến AZEC; xây dựng cập nhật NDC; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý tín chỉ carbon.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động ngân hàng xanh, cấp tín dụng triển khai nhiều dự án xanh, huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, thúc đẩy mua sắm công xanh; tích cực làm việc với các đối tác, định chế tài chính quốc tế để huy động tài chính cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan truyền thông đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền triển khai thực hiện cam kết ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng công bằng, các mô hình chuyển đổi xanh, dự án xanh tạo sự lan tỏa rộng rãi trên phạm vi cả nước và quốc tế.
Các Bộ, ngành khác (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện cam kết tại COP26.
Khối ngân hàng, doanh nghiệp, địa phương cụ thể hóa bằng hành động
Để triển khai cam kết tại COP26, các tổ chức ngân hàng trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã đồng hành với Chính phủ, tích cực vào cuộc thực hiện nhiều dịch vụ, sản phẩm cùng với các gói tín dụng xanh, cho vay xanh phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng. Các tập đoàn nhà nước đã đi đầu trong nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, thực hiện chuyển đổi xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hoạt động quản lý, điều hành, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, giảm phát thải khí nhà kính.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Các địa phương đã đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, phát triển các nhà máy điện rác; phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm năng lượng. Một số thành phố lớn đã phát triển rộng rãi hệ thống tuyến xe buýt điện, mạng lưới xe đạp công cộng. Một số địa phương đã và đang xúc tiến tham gia các chương trình, dự án trao đổi kết quả giảm phát thải carbon rừng.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ TN&MT đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới. Trong đó, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kính tế carbon thấp; hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực cho chuyển đổi xanh; nghiên cứu, phát triển công nghệ mới để giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh.
Cùng với các hành động cụ thể, cần tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương, để thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu; tranh thủ nguồn lực quốc tế và thúc đẩy các vấn đề phù hợp với lợi ích của ta. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.