Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số toàn diện cấp xã, từng bước thu hẹp khoảng cách số
Được UBND tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình CĐS, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS cấp xã, ban hành quy chế, tổ chức hoạt động; thành lập 14 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 14 thôn do Trưởng thôn làm tổ trưởng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chung đến các thành viên trong Ban Chỉ đạo CĐS của xã, tổ trưởng và thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Công chức xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn người dân kích hoạt và sử dụng mã định danh điện tử để thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính. Ảnh: BVP |
Để nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu CĐS, xã đã lắp đặt, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ (LAN), trang bị thêm máy tính phục vụ công tác điều hành; thiết lập các thiết bị giám sát, bảo vệ an toàn, an ninh cho hệ thống mạng.
Bên cạnh đó, Hướng Đạo đã xây dựng Cổng thông tin điện tử của xã, đây là kênh để người dân tra cứu, cập nhật thông tin tại địa phương và quảng bá các sản phẩm của địa phương trên sàn giao dịch điện tử.
Xã đang phối hợp với các ngành chức năng để lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm ngã ba, khu tập trung đông người, cửa ngõ ra vào địa bàn, tụ điểm dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương và phục vụ công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng.
Tháng 6/2022, xã Hướng Đạo lắp đặt thêm 10 cụm thu truyền thanh thông minh, đưa tổng số cụm loa truyền thanh lên 18 cụm với 36 loa tại tất cả các thôn, giúp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật thông tin và hướng dẫn người dân sử dụng những tiện ích của CĐS mang lại; vận động người dân tham gia nhóm Zalo CĐS để cập nhật các thông tin của tỉnh và địa phương về CĐS. Hiện xã đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa một số mặt hàng nông sản của địa phương để giới thiệu, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.
Mặc dù nhiệm vụ CĐS mới đang ở những bước đầu tiên nhưng đã đem lại nhiều thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; người dân đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực ứng dụng các tiện của công nghệ số; tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Là xã miền núi của huyện Sông Lô, CĐS đã đem lại nhiều thay đổi trong công tác quản lý, điều hành và thực thi các nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức xã Lãng Công, huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; giúp cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, chính xác và người dân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã sử dụng máy tính có kết nối mạng trong công việc; 100% cán bộ, công chức đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia. Xã cũng đã được đầu tư lắp đặt thiết bị truyền hình trực tuyến phục vụ học tập, tập huấn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên.
Các cán bộ lãnh đạo và công chức xã đã được cấp tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp nên các văn bản thống kê, kế hoạch, báo cáo... đều được chuyển liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý, giúp giảm thời gian đi lại, chi phí in ấn tài liệu, văn bản; việc quản lý lưu trữ văn bản được chặt chẽ, khoa học hơn.
Bên cạnh đó, việc tăng cường sử dụng hệ thống điện tử đã phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính với UBND xã. Hiện nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã được giải quyết trên cổng dịch vụ công trực tuyến; góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Cùng với xã Hướng Đạo, xã Lãng Công, 2 địa phương khác của tỉnh được lựa chọn thí điểm CĐS cấp xã là thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường và thị trấn Tam Đảo đã và đang tích cực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo lộ trình đặt ra như triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng mạng viễn thông, công nghệ thông tin; thí điểm một số camera giám sát phục vụ quản lý, điều hành, tăng cường an ninh; đưa sản phẩm, hàng hóa lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử; tổ chức triển khai các dịch vụ, ứng dụng CĐS lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch...
Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong chính quyền địa phương để phục vụ và tương tác với người dân tốt hơn.
Những kết quả, kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm mô hình CĐS sẽ là cơ sở để Vĩnh Phúc tiếp tục nhân rộng, triển khai CĐS đồng bộ, toàn diện ở cấp xã; hướng tới mục tiêu mang đến sự tiện ích, văn minh từ CĐS, xây dựng “xã thông minh”, để mọi người dân đều được hưởng những tiện ích của CĐS mang lại.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, các địa phương còn gặp một số khó khăn do đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế.
Do đó, rất cần các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực cho các địa phương; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho chính quyền và người dân, chú trọng hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.