Vĩnh Phúc: Thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 19 nghìn tỷ đồng
Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng |
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong 9 tháng đầu năm. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất...
Quý I năm 2023, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn do Vĩnh Phúc là một tỉnh có độ mở kinh tế cao, quy mô công nghiệp lớn trong khi đó nền kinh tế toàn cầu có sự suy giảm dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho đã gây nên áp lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, nhất là các ngành chủ lực như sản xuất ô tô chỉ đạt sản lượng bằng 61,5%, ngành sản xuất xe máy đạt 85,7%, ngành sản xuất linh kiện điện tử đạt mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…
Tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi trong quý II và quý III; từ tốc độ tăng GRDP quý I năm 2023 giảm 0,5% , thuộc nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm , 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%. 9 tháng đầu năm tăng 2,1% ; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng; trong đó Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; Khu vực dịch vụ tăng 8,43%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.
Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% so với dự toán và bằng 73,1% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng bằng 56,2% so với dự toán và bằng 73,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.500 tỷ đồng bằng 70% dự toán và bằng 71,8% so với cùng kỳ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đến hết tháng 9 toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng bằng 73,6% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 39,6%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.
Về Xây dựng NTM, Kết quả 09 tháng đầu năm, có thêm 03 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu (lũy kế đến nay có 89 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu); 04/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trìđạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023 đã lựa chọn được 38 phương án sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt một số câu hỏi liên quan tới vấn đề xử lý vi phạm của các trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trên đất rừng, gây ô nhiễm môi trường; vấn đề quản lý đất công sản; vấn đề xử lý các trang trại lợn xây dựng trái phép gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý kịp thời gây bức xúc trong nhân dân...
Đại diện các sở, ngành đã trực tiếp giải đáp những vấn đề được phóng viên quan tâm, đồng thời sẽ có những chỉ đạo giải quyết các nội dung còn tồn đọng đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí. Và mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của Vĩnh Phúc./.