Vợ chồng hái rau rừng, vắt kiệt sức nuôi hai con vào đại học
Từ đỉnh núi đến chuồng bò
Mấy ngày hạ oi bức này, nắng trên vùng cao càng trở nên hầm hập. Ghé vào quán cà phê dưới chân dãy núi Thiên Cấm Sơn (núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi được nghe câu chuyện khá ly kỳ, giống như cổ tích ngày xửa ngày xưa. Đó là trên đỉnh núi này, có đôi vợ chồng nọ nghèo kiết xác nhưng nuôi được tới hai con vào đại học.
Ông Huỳnh Hữu Thới - 68 tuổi (tự Bảy Thới, chủ quán cà phê Mai Trang nằm cạnh tỉnh lộ 948 dưới chân núi Cấm) kể, ông vốn là người hay phối hợp với Hội Khuyến học xã An Hảo, để vận động tiền quà giúp học sinh nghèo đến lớp. Vì vậy mà ông đặc biệt quan tâm đến chuyện học hành của con em vùng núi.
Vợ chồng ông Tình, sống ở nơi không điện, nước và nghèo khó
Khoảng 7 năm trước, ông Thới và thầy Sáu Bé (tức ông Lý Văn Bé - Chủ tịch Hội Khuyến học xã An Hảo) nhận được thông tin có đôi vợ chồng nghèo đang cùng 3 người con là học sinh ở đậu trong chuồng bò của ông Ba Sâu, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tà Lọt, xã An Hảo. Ông tức tốc đến thì biết đó là vợ chồng của ông Nguyễn Văn Tình (62 tuổi) và bà Nguyễn Thị Gái (57 tuổi).
Chứng kiến cảnh 3 người con ông Tình là Nguyễn Thanh Tùng (SN 1995), Nguyễn Văn Tỉnh (SN 2001) và Nguyễn Công Tiển (SN 2003) khi ấy đều là học sinh, sống nheo nhóc trong chuồng bò, ông Thới mũi lòng. Vợ chồng ông Tình đều là con nhà nghèo. Cha mẹ bà Gái cho họ được 2,2 công đất trồng rẫy cạnh vồ Bồ Hong của núi Cấm. Căn chòi nhỏ và xiêu vẹo, dột mưa là nhà của gia đình họ.
Căn nhà của vợ chồng ông Tình được cất cho giờ đã dột
Thấy nhà sắp sập mà không có tiền sửa, vừa nhậm chức trưởng ấp, ông Ba Sâu liền kêu vợ chồng ông Tình xuống cho ở nhờ trong chuồng bò nhà ông, dù sao nó cũng kiên cố hơn nhà ông Tình. Hơn nữa, từ nhà vợ chồng ông Tình đến Trường tiểu học B An Hảo điểm Tà Lọt cách khoảng 4km đường rừng núi. Các con ông Tình cuốc bộ đi học hằng ngày vô cùng vất vả. Đến ở chuồng bò nhà ông Ba Sâu thì việc tới trường của những đứa con ông Tình thuận lợi hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Gái (vợ ông Tình) kể, cả gia đình tui ở chuồng bò nhà ông Ba Sâu. Được khoảng 4 tháng thì ông Bảy Thới đến giúp. Ông Bảy kêu vợ chồng tui gắng tìm mua cái nền, rồi ổng và thầy Sáu Bé kết hợp với chính quyền đi vận động tiền để cất nhà cho vợ chồng tui. Năm 2015, vợ chồng tui mua thiếu chịu cái nền nhà ở gần chuồng bò ông Ba Sâu, rồi sau đó thì được chỗ chính quyền, thầy Bé và ông Bảy cất lên cho căn nhà, ở đến bây giờ.
“Sống ở chuồng bò hôi thối lắm nhưng họ nghèo biết làm sao hơn. Do vậy, khi cất xong căn nhà cho vợ chồng chú Tình, cả tui và gia đình chú ai cũng rất mừng, vì giải phóng một gia đình ra khỏi chuồng bò. Thay mặt gia đình chú Tình, tôi chân thành cảm ơn quý mạnh thường quân gần xa, đã giúp tiền, giúp của để chính quyền và chúng tôi làm được một việc đầy ý nghĩa”, ông Bảy Thới tâm sự.
Tương lai rộng mở thì kiệt sức
Ông Bảy Thới kể, 7 năm trước vừa đến nhà của chú Tình trên núi Cấm, tôi cảm thấy hổi ôi. Bởi căn nhà chỉ là căn chòi thiếu an toàn, vì có thể sập bất cứ lúc nào. Vợ chồng chú Tình chặt cây, cuốc đá trồng rẫy trên 2,2 công đất mà cha mẹ cho. Nhưng đất ở vùng núi cằn cõi và thiếu nước tưới nên hoa lợi chẳng là bao. Vì vậy mà gia đình chú luôn thiếu trước hụt sau. Mặc dù vậy, cái khiến tôi nễ nhất là dù vất vả thế nào, họ cũng quyết tâm cho con ăn học.
Người con út đậu vào Học viện Hậu Cần chụp ảnh lưu niệm với cha, mẹ trong lần về thăm nhà
Bà Nguyễn Thị Gái nhớ lại kể, những năm gia đình tôi còn sống trên núi Cấm, cứ hằng ngày ngoài việc cuốc đất, dọn đá trồng đậu que, nghệ và ngãi bún… bán thì tôi còn đi hái rau rừng. Do rẫy mất mùa triền miên nên tôi phải lặn lội hết khu rừng này đến khu vườn khác để hái rau càng cua, kim thất, bắp chuối… mọc hoang bán kiếm thêm. Mặc dù vợ chồng tôi lao động cật lực nhưng vẫn không tài nào đủ tiền để sống. Những năm ấy, gia đình tôi thường sống nhờ vào đồng tiền bát gạo của mạnh thường quân và chính quyền.
Bà Gái cho biết, những năm khốn khổ ấy, 3 đứa con của bà đều đi học. Mỗi ngày, đứa nào cũng gói theo cơm trắng, rồi có khi kèm đậu phộng rang muối, hay cá khô để mang theo đến trường. Bà dẫn con lội bộ từ trên núi xuống trường trên quảng đường rừng núi dài 4 cây số. Hết đưa rước đứa này thì đến đưa rước đứa khác. Về nhà bà vội vã đi hái rau, bẻ bắp chuối rừng.
“Dù gia đình tui vô cùng khó khăn, vất vã nhưng con tui rất may mắn. Chúng được sự giúp đỡ tận tình của thầy Nguyễn Quốc Thắng (giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học B An Hảo, điểm Tà Lọt). Hễ học xong nghỉ lại nhà ở tập thể của giáo viên là thầy Thắng lấy cơm các học sinh ra kiểm tra. Thầy lấy thức ăn do mình dành tiền lương ra mua, nấu sẵn cho các học sinh ăn. Còn thầy thì lấy lại đậu phộng của con tui mang theo để thầy ăn, gọi là đổi. Thầy chăm sóc các con của tui từng miếng ăn, giấc ngủ khi ở trường, nên tụi nó quý thầy lắm”, bà Gái tâm sự.
Cuộc sống lay lắt trôi nhanh. Người con lớn của ông Tình mới đó mà đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng trượt đại học, nên vào làm nhân viên Xã đội An Hảo, thu nhập không nhiều. Hiện Nguyễn Thanh Tùng đã có vợ và sống bên vợ. Hai năm trước, người con thứ ba của ông Tình thi đỗ vào Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và ông Tình cũng mắc bệnh tai biến mạch máu não nên Nguyễn Văn Tỉnh phải nghỉ học.
Ông Bảy Thới, một trong những người tiếp bước đến trường cho nhiều học sinh vùng núi
Tỉnh xin bảo lưu kết quả rồi đến Bình Dương xin làm cho một công ty. Mọi chi tiêu và tiền thuốc chữa bệnh cho ông Tình hiện nay đều do một mình Tỉnh lo liệu. Tháng nào thu nhập khá thì Tỉnh gửi về cho cha mẹ 4-5 triệu đồng. Còn tháng nào thu nhập kém thì gần như không có. Năm ngoái, người con út của ông Tình đã trúng tuyển đại học vào Học viện Hậu Cần (Bộ Quốc phòng). Hiện Nguyễn Công Tiển đang theo học tại đây mà không phải đóng học phí. Từ ngày chồng ngã bệnh, bà Gái phải ở nhà chăm sóc nên không thể đi rừng hái rau rừng nữa.
“Tội nghiệp vợ chồng chú Tình. Họ cố gắng nuôi các con đến đại học thì kiệt sức. Chú Tình bị bệnh tai biến, còn vợ cũng mỏi gối chồn chân. Căn nhà do chính quyền và chúng tôi cất cho ở đến giờ cũng đã dột. Tui đang vận động mạnh thường quân gần xa giúp xây lại cho họ căn nhà. Cốt ý là để gia đình an tâm, làm sao giúp thằng Tỉnh trở lại trường đại học”, ông Bảy Thới tâm tư nói.
Mọi sự giúp đỡ cho gia đình nghèo hiếu học của vợ chồng ông Tình, xin liên hệ đến số điện thoại của bà Gái là: 0335.762.751.
VĨNH SƠN - LONG VIỆT