Xây dựng một nền kinh tế “xanh”, ít phá hoại hệ sinh thái
Xây dựng một nền kinh tế “xanh”, ít phá hoại hệ sinh thái |
Cải cách nền kinh tế
Jason Hickel, chuyên gia kinh tế người Anh, nhận định: “Mọi người cần hiểu rằng ‘phát triển’ không nên được coi giống như quá trình xã hội”.
Ông Hickel là một trong những người tiên phong trong phong trào hậu tăng trưởng đang nổi lên hiện nay. Những người ủng hộ phong trào này cho rằng thành công kinh tế không thể được đo lường thông qua thước đo thô là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thay vào đó, các nền kinh tế và ngành công nghiệp phát thải carbon cần “đảo ngược” quá trình tăng trưởng này.
Theo ông Hickel, điều quan trọng về mặt tiến bộ xã hội không phải là sản xuất tổng hợp mà là sản xuất các hàng hóa và dịch vụ cụ thể để cải thiện đời sống và đạt được các mục tiêu sinh thái và giảm phát thải ở các ngành và quốc gia phát thải cao.
“Mỗi khi các chính trị gia nói rằng họ muốn thúc đẩy tăng trưởng, câu hỏi đặt ra phải là: Tăng trưởng cái gì và vì lợi ích của những ai?”, ông Hickel lưu ý.
Các nhà kinh tế học trong phong trào hậu tăng trưởng cho rằng việc tái tổ chức nền kinh tế có kế hoạch và có mục đích sẽ mang lại lợi ích cho toàn cầu. Theo tầm nhìn của họ, điều các nỗ lực này hướng tới cắt giảm sản xuất có tổ chức các mặt hàng như biệt thự, xe thể thao đa dụng, thịt bò sản xuất công nghiệp, tàu du lịch, thời trang nhanh và vũ khí – tất cả đều có lợi cho tư bản nhưng lại phá hoại hệ sinh thái. Đồng thời, cần tăng mạnh đầu tư vào những gì mang lại lợi ích cho mọi người nhất, từ chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng và năng lượng tái tạo đến nhà ở giá rẻ, thực phẩm dinh dưỡng và nông nghiệp tái tạo, mang lại ít lợi nhuận hơn nhưng cũng ít phá hoại hệ sinh thái hơn.
Ông Hickel cho biết: “Ở các quốc gia có thu nhập cao như Vương quốc Anh, chúng ta có tổng sản lượng cực lớn. Nhưng sản lượng này chủ yếu được tổ chức xung quanh những gì có lợi cho tư bản thay vì những gì cần thiết cho phúc lợi của người dân. Vì vậy, mặc dù sản lượng cao, chúng ta vẫn có tình trạng thiếu thốn lan rộng… Hơn 4 triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo đói, và các khu phố ổ chuột vẫn phổ biến.
Thậm chí, chưa có quốc gia có thu nhập cao “tiến gần tới” nghĩa vụ về biến đổi khí hậu tại Paris, ngay cả những quốc gia có thành tích tốt nhất cũng phải mất hơn 200 năm để cắt giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0 với tốc độ giảm thiểu hiện tại.
“Đây là công thức cho thảm họa. Cần phải giảm thiểu phát thải nhanh hơn nữa. Chúng ta cần làm 2 điều sau: Một là các quốc gia giàu cần giảm tổng mức sử dụng năng lượng, hai là chúng ta cần đầu tư công vào việc triển khai năng lượng tái tạo”, nhà kinh tế học người Anh nhấn mạnh.
Dù năng lượng tái tạo rẻ hơn so với nhiên liệu hoá thạch nhưng đến nay, các nguồn vốn dành cho lĩnh vực này vẫn ít hơn vì chúng không mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư lớn như các dự án nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng ta cần tăng đầu tư công vào năng lượng tái tạo và tín dụng xanh để giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang quá trình chuyển đổi xanh. Đây là chính sách công nghiệp cơ bản và đã đến lúc chúng ta áp dụng chính sách này”, ông Heckel kêu gọi.
Câu hỏi lớn
Dù phong trào hậu phát triển đã tạo dựng được nền móng và nhận được sự ủng hộ của cá nhà kinh tế, cũng như các nhà khoa học môi trường ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên, tại Nam bán cầu, phong trào này vẫn chưa thật sự tạo dấu ấn.
Nhiều chuyên gia nhận định phong trào này phù hợp với những nền kinh tế phát triển, những quốc gia đã có đủ nguồn vốn đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người dân của họ. Tuy nhiên, bức tranh ở các nền kinh tế đang phát triển lại hoàn toàn khác, trong đó phát triển nền kinh tế vẫn là một mục tiêu quan trọng.
Nhưng vẫn còn những câu hỏi lớn khác đối với ý tưởng về nền kinh tế hậu tăng trưởng. Nhiều người cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống tư bản toàn cầu và tiếp quản các nhóm lợi ích cố hữu và giới tinh hoa hưởng lợi từ đó khó có thể diễn ra nhanh chóng.
Nhà kinh tế học James Meadway cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu đang leo thang có nghĩa là không có thời gian để lập kế hoạch cho một tầm nhìn không tưởng về một thế giới hoàn hảo có thể đạt được trong 30 năm tới. Thay vào đó, chúng ta nên tranh luận về các biện pháp thực tế có thể được thực hiện ngay bây giờ và là “những bước đi trên con đường” hướng tới sự thay đổi cơ bản hơn.
Ông Meadway cho biết hệ thống thuế, nếu được cung cấp nguồn lực phù hợp và được hỗ trợ bởi một số mức độ phối hợp toàn cầu, có thể bắt đầu khắc phục tình trạng bất bình đẳng và sự tàn phá sinh thái đang diễn ra.
Ông nói thêm rằng khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn, hệ thống thị trường trong các lĩnh vực quan trọng, từ thực phẩm đến năng lượng và nước, sẽ phải vật lộn để đối phó, khiến sự can thiệp trên diện rộng của các cơ quan công quyền là điều không thể tránh khỏi để bảo vệ toàn xã hội.
Hickel bác bỏ lập luận cho rằng việc cải cách nền kinh tế có kế hoạch và có mục tiêu là không thực tế. “Điều không thực tế là cho rằng nền kinh tế hiện tại của chúng ta, vốn đang thất bại về cả mặt xã hội và sinh thái, sẽ giải quyết một cách kỳ diệu các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Hickel nhấn mạnh.
Dù vậy, ông thừa nhận cần có không gian để các nước Nam bán cầu tăng trưởng trước và chỉ cải cách nền kinh tế là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng về môi trường hiện nay.