Xử lý sau thanh tra tại Tổng công ty Vicem Việt Nam: Sớm chấn chỉnh, không để sai phạm chồng sai phạm
Tình trạng chậm trễ, thiếu nghiêm túc trong xử lý những sai phạm chỉ ra trong công tác thanh tra là một nguyên nhân làm giảm vai trò, hiệu lực của thanh tra trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hàng loạt sai phạm
Theo Kết luận số 402-KL-TTr ngày 14-10-2016 của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa được công bố mới đây, trong quá trình thanh tra 20 công ty trực thuộc Tổng công ty Vicem Việt Nam đã phát hiện nhiều sai phạm. Các đơn vị này phải khắc phục hơn 326 tỷ đồng nộp các khoản thuế nợ vào ngân sách Nhà nước. Toàn bộ 20 công ty được thanh tra đã khắc phục, thu hồi, giảm các khoản công nợ phải thu lên tới 3.121 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31-12-2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng.
Trạm nghiền Xi măng Cần Thơ, Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô.
Theo Kết luận số 402-KL-TTr ngày 14-10-2016, việc người đại diện phần vốn của tổng công ty từ năm 2014 trở về trước tại Công ty Cổ phần Vicem thương mại Xi măng do thiếu kiên quyết trong công tác quản lý, điều hành đã để phát sinh nhiều khoản công nợ phải thu. Đến nay, các khoản công nợ này đã đến hạn và khó đòi với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% vốn điều lệ, tiềm ẩn khả năng thâm hụt vốn Nhà nước đã đầu tư vào công ty.
Đến ngày 31-12-2015, Tổng công ty Vicem Việt Nam còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 2 đơn vị có vốn đầu tư khoảng 55 tỷ đồng mà Tổng công ty Vicem Việt Nam không thu được cổ tức từ khoản đầu tư này gồm: Công ty Cổ phần Sông Đà 12 có vốn đầu tư 12 tỷ đồng, Công ty Cổ phần tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai có vốn đầu tư là 43 tỷ đồng.
Quá trình thanh tra cho thấy các khoản phải thu tại 12 công ty thành viên ngày càng tăng, 5 công ty không bảo đảm khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, 10 công ty có tốc độ gia tăng vốn năm 2015 thấp hơn năm 2014.
Đối với Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn, yêu cầu công ty tích cực làm việc với các sở, ban, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa để được hỗ trợ chi phí công ty đã đầu tư vào đất của dự án cảng Lèn với tổng số tiền 19.112.246.547 đồng .
Đối với Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai, yêu cầu công ty phải có biện pháp thu hồi 23 khoản nợ phải thu đã quá hạn. Trong đó phát sinh thời kỳ công ty Nhà nước là 1.393.492.127 đồng, phát sinh thời kỳ công ty cổ phần là 2.214.401 đồng; yêu cầu công ty thoái vốn và thu hồi đủ vốn đã đầu tư vào 4 dự án là hơn 7 tỷ đồng.
Đối với công ty Cổ phần Vicem vật liệu xây dựng Đà Nẵng, phải hạch toán các khoản vay phát sinh từ năm 1999 vào thu nhập của năm 2016.
Kết luận số 402-KL-TTr ngày 14-10-2016 của Thanh tra Bộ Xây dựng
Xử lý, khắc phục rất chậm
Trước thực trạng trên, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu các công ty thực hiện quyết toán ngay các khoản tạm ứng, khoản trả trước cho người bán, thực hiện thu hồi các khoản phải thu theo đúng quy định để bảo đảm vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn Nhà nước. Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu cơ cấu lại các khoản đầu tư tại những đơn vị không đạt hiệu quả, hoặc hiệu quả quá thấp so với vốn đã đầu tư. Yêu cầu tổng công ty kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh và khắc phục kịp thời những sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn.
Trước đó, năm 2014, Kết luận thanh tra số 373/KL-TTr ngày 24-12-2014 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, quản lý kinh tế tại Tổng công ty Vicem Việt Nam như: Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn ký hợp đồng thuê gia công xi măng rời với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp. Những công ty này có thời điểm không tiêu thụ hết xi măng rời, phải dừng sản xuất nhưng lại phải đi mua xi măng từ nơi khác đem về theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Vicem Việt Nam. Thông qua các hợp đồng thuê nhận gia công, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp đã tăng công suất sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ, trong khi đó các Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn lại sản xuất không hết công suất thiết kế mà vẫn phải thuê gia công xi măng rời, khiến lợi nhuận giảm hơn 21 tỷ đồng. Giai đoạn 2008-2012, Tổng công ty Vicem Việt Nam đưa ra chủ trương yêu cầu các công ty thành viên phía Bắc bán clinker cho Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2 với mức giá thấp hơn giá thành ở thời điểm hiện tại nên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp thành viên, giảm lợi nhuận gần 57 tỷ đồng. Việc chọn Công ty TNHH Vĩnh Phước là đơn vị duy nhất trúng thầu không qua đấu thầu trong giai đoạn 2010-2014 khiến giá cước vận chuyển cao, gây nhiều thiệt hại. Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem cũng xảy ra một số sai phạm gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là với tình trạng sai phạm chồng sai phạm sau hai lần thanh tra, nhưng đến nay việc xử lý, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan và khắc phục các sai phạm vẫn rất hạn chế. Nhiều sai phạm được chỉ ra từ kết luận thanh tra năm 2014 đến nay vẫn chưa được xử lý. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân chiều 11-12-2016, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại, kết quả sau thanh tra tại Tổng công ty Vicem Việt Nam chính ông Pham Gia Yên cũng chưa nắm được và đề nghị phóng viên làm việc trực tiếp với đơn vị để nắm rõ hơn.
Từ kết quả công tác thanh tra đối với Tổng công ty Vicem Việt Nam mấy năm gần đây, đã đến lúc đơn vị này cùng cơ quan chủ quản phải sớm nhìn lại chính mình, khẩn trương vào cuộc xử lý rốt ráo những sai phạm, bất cập, không nên bỏ ngỏ trách nhiệm để những yếu kém kéo dài như thời gian qua.
Theo Báo Quân đội nhân dân