30 triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ
Theo kết quả điều tra dân số quốc gia lần thứ bảy của Trung Quốc, được cục thống kê quốc gia (NBS) công bố vào tuần trước, trong số 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái, cứ 100 bé gái thì có 111,3 bé trai. Nghiên cứu toàn quốc vào năm 2010 thì có tỷ lệ là 118,1 bé trai so với 100 bé gái.
Theo Stuart Gieten-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại đại học Khoa học công nghệ Hong Kong, các con số nhấn mạnh mong muốn phổ biến của các gia đình Trung Quốc là có con trai.
Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Xian Jiaotong, cho biết: "Theo ước tính, từ năm 1980 đến năm 2020, ở Trung Quốc có khoảng 30 triệu đến 40 triệu nam giới được sinh ra nhiều hơn nữ giới, vì vậy sẽ rất thiếu cô dâu". Ông cho rằng chính sách một con của Trung Quốc, được thực hiện vào năm 1979 và rút lại vào năm 2016, đã làm trầm trọng thêm hoạt động phá thai lựa chọn giới tính vì muốn có con trai.
NBS cho biết tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Cai Yong, phó giáo sư nhân khẩu học xã hội tại Đại học Bắc Carolina, cho biết đàn ông thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn gặp khó khăn nhất trong việc tìm cô dâu và những người đàn ông độc thân cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khỏe. Ông nói: “Nếu không kết hôn, những người đàn ông này sẽ có thể có sức khỏe thể chất và tâm lý kém hơn. Người Trung Quốc dựa vào vợ hoặc chồng và con cái để hỗ trợ khi tuổi già, nhưng những người đàn ông này không có mối quan hệ như vậy".
Isabelle Attane, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nhân khẩu học Pháp, cho biết tình trạng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã khiến địa vị xã hội của họ được cải thiện một chút. Do đó, bà hy vọng tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc sẽ bình thường hóa trong thập kỷ tới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.
N.C