50 nhà lãnh đạo các nước kêu gọi thế giới hợp tác sau đại dịch COVID-19
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng các nước cần phải sáng tạo và tìm ra những phương thức hợp tác mới. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định những mục tiêu phát triển bền vững với tầm nhìn tới năm 2030 của Liên hợp quốc có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay và các nước cần hợp tác để cùng nhau tiến tới những mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng có thể biến thành cơ hội để các nước phục hồi kinh tế mau chóng và chiến đấu chống tình trạng toàn cầu bị nóng lên. Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để hỗ trợ các nước dễ tổn thương nhất, đặc biệt ở khu vực châu Phi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu bày tỏ hy vọng các nước sẽ cùng nhau xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn và tránh để xảy ra một đại dịch mới trong tương lai. Tổng thống Costa Rica Alvarado Quesada cho biết ông mong muốn thế giới sau đại dịch COVID-19 sẽ tràn ngập tình đoàn kết và không vụ lợi.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xem xét đẩy mạnh thanh khoản toàn cầu.
Trong cuộc họp của LHQ về hậu quả kinh tế của đại dịch, ông Guterres cho rằng các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới phải vật lộn với gánh nặng nợ ngày càng tăng. Thêm vào đó, hiện các nước phải đối mặt với suy thoái toàn cầu kỷ lục, giá xăng dầu và các loại hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, tiền tệ suy yếu.
Theo ông Guterres, nhiều quốc gia đang phát triển và có thu nhập trung bình rất dễ bị tổn thương, những nước này đang hoặc sẽ sớm gặp khó khăn về nợ nần do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đức Linh