7 dấu hiệu của người quản ký kém hiệu quả
Cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
“Tranh công” với nhân viên
Nhiệm vụ là do nhân viên thực hiện, sếp thậm chí còn không màng quan tâm đến tình hình triển khai thế nào, nhưng khi thành công, sếp vơ hết công lao về mình. Tất cả các nhân viên đều ghét hành động này vì ai cũng muốn được công nhận, từ đó mới có động lực tiếp tục hoàn thành các mục tiêu khác cao hơn. Khi họ nhận ra những thành quả của mình bị người khác đánh cắp, họ sẽ nản lòng, không muốn cố gắng nữa. Kiểu sếp này thường thiếu trung thưc, kém chuyên môn nhưng lại rất giỏi “biến” thành tích của nhân viên thành của mình. Làm việc với những vị quản lý như vậy khiến bạn ức chế, lâu dần hiệu suất công việc cũng giảm theo.
Thiếu trách nhiệm
Những người này thường phó mặc công việc cho nhân viên, không hướng dẫn cũng không giám sát, họ có thể ung dung đi du lịch trong khi nhân viên đang làm việc mờ mắt tại văn phòng. Trong trường hợp thất bại, mọi “tội lỗi” đều là nhân viên phải gánh chịu. Họ cũng không có thói quen thừa nhận sai lầm của bản thân, mà thường tìm cách bao biện hoặc đổ trách nhiệm cho cấp dưới. Bất kỳ ai đang làm việc dưới trướng một vị sếp như vậy cũng khó mà tìm thấy tương lai sáng sủa, tốt nhất là nên cân nhắc việc rời bỏ và tìm cho mình một người quản lý khác tốt hơn.
Luôn quát tháo nhân viên
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, những người đứng đầu luôn chịu nhiều áp lực, nhưng không vì thế mà họ có thể trút cơn giận lên nhân viên một cách vô tội vạ. Nếu sếp của bạn có thói quen quát tháo nhân viên và việc này diễn ra hàng ngày thì vấn đề không đơn giản là họ có tính cách “khó ưa”. Điều đó còn thể hiện họ thiếu những kỹ năng lãnh đạo cần thiết. Làm việc với người sếp này lâu ngày có thể khiến bạn căng thẳng, bức xúc hoặc luôn sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi.
Thiếu quyết đoán
Một trong những tố chất của người lãnh đạo là tính quyết đoán. Không ai muốn đặt lòng tin vào những người quản lý luôn gặp khó khăn trong việc ra quyết định. Người sếp như vậy cũng thường khó bảo vệ được nhân viên của mình, bởi họ không có nhiều ảnh hưởng với cấp trên. Mặt khác, khi bạn muốn đề cập đến các vấn đề quan trọng như tiền thưởng, tăng lương hay thăng chức… thì sự thiếu quyết đoán của người quản lý rõ ràng có thể gây bất lợi cho bạn.
Không giữ lời hứa
Giữ đúng cam kết là điều nhân viên nào cũng mong muốn nhìn thấy ở cấp trên của mình. Để thúc đẩy nhân viên tăng năng suất làm việc, nhiều người sếp thích cho họ “ăn bánh vẽ”. Hứa tăng lương, hứa cất nhắc lên vị trí quản lý… nhưng kết quả cũng chỉ là lời hứa. Nhân viên thường trông chờ vào những lời hứa của sếp, đó chính là động lực để họ cố gắng làm việc. Nếu sếp quen “tật” hứa cho vui, hứa mà không làm chắc chắn bạn sẽ cảm thấy như mình bị lừa gạt, lợi dụng.
Không có “tầm”
Chúng ta hay nói “lãnh đạo phải có tâm và có tầm”. Tầm nhìn chính là điều làm nên sự khác biệt của người lãnh đạo. Nếu sếp có tầm nhìn hạn hẹp, đừng mong đợi sẽ có sự cải cách và tiến bộ cho tổ chức của các bạn. Trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp nếu không liên tục cải tiến thì chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau. Do vậy, một người sếp không biết nhìn xa trông rộng sẽ khó có thể đem đến cho tập thể tương lai tươi sáng.
Bắt nhân viên làm việc quá sức
Vắt kiệt sức lao động của nhân viên và xem đó như là điều bình thường, không quan tâm đến các biện pháp khích lệ và chế độ đãi ngộ cho nhân viên sau những gì họ cống hiến. Nếu đây là những gì miêu tả đúng về sếp của bạn thì có lẽ, bạn đang cảm thấy căng thẳng và bị đối xử bất công trong công việc.
Kiều Giang