Australia đang phải trải qua thảm họa cháy rừng nghiêm trọng nhất, với thiệt hại vô cùng lớn
Hàng loạt thị trấn đang chìm trong biển lửa, cướp đi nơi sinh sống của loài người cũng như của rất nhiều động vật hoang dã. Theo thống kê, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại thảm họa cháy rừng này là New South Wales, với khoảng 1300 căn nhà bị thiêu rụi. Có ít nhất 24 người đã thiệt mạng trong mùa cháy rừng năm nay, rất nhiều trong số đó là các tình nguyện viên tham gia vào công tác cứu hỏa.
Nửa tỉ động vật hoang dã cũng đã trở thành nạn nhân của mùa cháy rừng năm nay, cũng như 1/3 số lượng cá thể Koala tại New South Wales bị thiêu cháy. Tổng diện tích cháy tại Úc tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới gần 6 triệu héc ta.
Bên cạnh đó, những thành phố lớn của nước này như Melbourne và Sydney cũng chịu những ảnh hưởng hết sức tiêu cực từ những đám cháy ở khắp mọi nơi trên đất nước. Tại Sydney, chỉ số chất lượng không khí đo được đã vượt gấp 11 lần ngưỡng "độc hại". Thậm chí, những quốc gia gần Australia như New Zealand cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng.
Kể từ tháng 12, chính quyền tại New South Wales đã ban bố tình trạng khẩn cấp, qua đó cho phép lực lượng phòng cháy chữa cháy huy động trực tiếp nguồn kinh phí từ chính phủ cho các hoạt động kiểm soát, khống chế và dập tắt những đám cháy. Tính riêng tại bang New South Wales, hiện đang có ít nhất 2300 người lính cứu hỏa làm việc không ngừng nghỉ, và các quốc gia khác như Mỹ, Canada hay New Zealand cũng đã điều động thêm lực lượng cứu hỏa của mình tới Úc để hỗ trợ. Cùng với đó, một lượng lớn tình nguyện viên đã tham gia vào công tác chữa cháy, cứu hộ cho các gia đình chịu ảnh hưởng, cũng như giải cứu những loài động vật hoang dã.
Theo Thủ tướng Australia, Scott Morrison, chính quyền đã huy động khoảng 16,2 triệu USD để đền bù cho các gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đại thảm họa cháy rừng năm nay, đồng thời trả 4200 USD cho mỗi tình nguyện viên đã tham gia công tác chữa cháy và cứu hộ từ 10 ngày trở lên.
Các đám cháy diễn ra với quy mô khác nhau tùy từng khu vực, trong đó có những đám cháy lớn với diện tích ảnh hưởng lên tới hàng chục héc ta. Trong khi những đám cháy nhỏ đã nhanh chóng bị khống chế, những đám cháy lớn hơn vẫn đang tiếp tục hoành hành hàng tháng trời bất chấp những nỗ lực của lực lượng cứu hỏa.
Nhìn chung, cháy rừng là chuyện vẫn thường diễn ra vào mùa hè tại Australia, đến mức mà người dân ở đây còn gọi nó là "mùa cháy rừng" - khi mà thời tiết vừa khô vừa nóng là điều kiện lý tưởng cho các đám cháy xảy ra.
Nguyên nhân thường thấy gây ra những đám cháy rừng là do sét đánh vào những cánh rừng khô hạn, và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Sấm sét chính là nguyên nhân khơi mào một loạt đám cháy lớn tại khu vực Đông Gippssland vào cuối tháng 12 vừa rồi - khi mà chỉ trong vòng 5 giờ lửa đã lan ra khoảng hơn 20km, dẫn đến tình trạng báo động đỏ tại bang Victoria.
Bên cạnh đó, sự bất cẩn hay cố ý của con người cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt đám cháy tại Australia - khi mà mới tháng 11 vừa qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ một thanh niên 19 tuổi với tội danh "đốt rừng".
Những cơn gió lớn cũng góp phần thổi bùng lên những đám cháy và khiến cho diện tích rừng bị cháy tăng lên nhanh chóng, đồng thời cản trở và gây khó khăn cho quá trình chữa cháy của lực lượng cứu hỏa tại quốc gia này.
Thêm nữa, với tình trạng Trái đất đang ngày một nóng lên cùng với biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia về môi trường đã cảnh báo rằng những thảm họa như cháy rừng hay lũ lụt sẽ càng ngày càng diễn biến khó lường và nguy hại hơn rất nhiều.
"Mùa cháy rừng" xưa nay vẫn là mùa nguy hiểm nhất tại Australia. Năm 2009, vụ cháy "ngày thứ 7 đen tối" đã lấy đi tính mạng của 173 người tại bang Victoria, trở thành vụ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về người trong lịch sử quốc gia này. Tuy nhiên năm nay, điều kiện thời tiết đặc biệt khắc nghiệt đã trở thành điều kiện thuận lợi cho những đám cháy, khi mà Australia đang phải trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất trong khoảng vài thập niên đổ lại. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài (nhiều nơi nhiệt độ đã vượt mức 40 độ C) càng tạo điều kiện cho những đám cháy phát triển.
Cũng chỉ mới năm ngoái (2019) thôi, rừng Amazon khiến cả thế giới phải xót xa vì vụ cháy kỷ lục tàn phá hàng triệu hectare rừng. Rồi rừng nhiệt đới ở Indonesia cháy, Bắc Mỹ cũng cháy, để lại nhiều hậu quả rất thương tâm.
Điểm chung của cả 3 vụ cháy là gì không? Thực chất, những khu vực ấy cũng chẳng xa lạ gì với chuyện hỏa hoạn vì chúng xảy ra hàng năm. Vấn đề nằm ở chỗ những vụ cháy gần đây đều vượt quá tầm kiểm soát, và đều là hậu quả gián tiếp từ quá trình biến đổi khí hậu.
Reto Knutti - chuyên gia khí tượng từ Thụy Sĩ, cùng các cộng sự đã sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng mô hình khí hậu, đã nhận thấy sự thay đổi về thời tiết trong giai đoạn 1951 - 1980 thực sự rất khác so với giai đoạn 2009 - 2018. Khi phân tích theo từng năm, có vẻ ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đã xuất hiện từ năm 1999. Và đến 2012, nó hiện hữu gần như mỗi ngày.
Trong những năm gần đây, các chuyên gia đang dần nhận định được những mối liên hệ mạnh giữa quá trình Trái đất nóng lên và kiểu hình thời tiết. Dù không thể khẳng định 1 trận bão có liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng rõ ràng tần suất sốc nhiệt, hạn hán, và thiên tai tăng lên là có thật. Và với nghiên cứu mới lần này, nó cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ăn sâu hơn bao giờ hết. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Climate Change./.
Linh Đức