Bắc Ninh: Nhiều chỉ tiêu phát triển năm 2023 vượt kế hoạch đề ra
Năm 2023 có ý nghĩa chính trị quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Bắc Ninh gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bởi tình hình thế giới bên ngoài và trong nước tiếp tục có những diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành Quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2045 và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ 26 quy hoạch phân khu (ảnh minh họa). |
Song được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 " Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Nâng cao đạo đức công vụ; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" và 5 quyết tâm chính trị, giải quyết 8 “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo tỉnh đã chú trọng tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kịp thời ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/01/2023, Chương trình hành động số 18/CTr-UBND ngày 18/01/2023; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/02/2023; Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 13/7/2023 và số 341/KH-UBND ngày 17/10/2023 cùng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt, quyết tâm và đồng bộ các giải pháp phát triển.
Tỉnh Bắc Ninh đã thành lập nhiều Đoàn công tác, làm việc với các sở, ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Chú trọng đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Mặt khác, tỉnh Bắc Ninh luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang về làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Dự khởi công dự án các đường tỉnh kết nối thành phố Bắc Ninh qua các KCN với QL.3 mới, cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4; Khởi công Dự án Khu công nghiệp Gia Bình II; VSIP 2; thông xe cầu Kinh Dương Vương kết nối các tuyến giao thông quan trọng và các khu di tích, lịch sử của tỉnh.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 15,8% so với năm 2022; doanh thu du lịch tăng 47%; thu nhập bình quân đầu người tăng 6,3%; dư nợ tín dụng tăng 12%. Thu hút FDI tăng gấp 2,8 lần về dự án cấp mới và gấp 3,3 lần về vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 30,8%.
Các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, đơn vị được tỉnh chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao vị thế của tỉnh; các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thăm, làm việc và tham dự các Hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư tại Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ năm 2023; Chương trình Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản.
Công tác quy hoạch, phát triển đô thị có nhiều kết quả tích cực (đã được thành lập Thị xã Quế Võ và Thuận Thành), nâng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60% (vượt 20,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước). Hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ 26 quy hoạch phân khu. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo dư địa, không gian phát triển cho tỉnh.
Tỉnh luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 7 cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xếp thứ 3 về Chỉ số Xanh. Tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng phát triển với doanh nghiệp.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương. Tổ chức thành công Festival Về miền Quan họ năm 2023 và các chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch. Giáo dục đào tạo là điểm sáng, dẫn đầu cả nước về thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tăng cường chuyển đổi số, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đứng đầu cả nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, công tác tiếp công dân được duy trì nề nếp, linh hoạt. Công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường. Việc thực hiện Kết luận sau thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao nhận công dân nhập ngũ năm 2023 đảm bảo an toàn, đúng quy định. Ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 24/3/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, đạt nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông cả trên ba tiêu chí.
Ước tính cả năm 2023, tỉnh Bắc Ninh có 07/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra; có 03/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; có 07/17 chỉ tiêu cần phấn đấu để hoàn thành kế hoạch. Các chỉ tiêu ước vượt kế hoạch đề ra, cụ thể như: Thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng (vượt 0,7% so kế hoạch). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 65,7 nghìn tỷ đồng (vượt 9,5% so kế hoạch). Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1.400 triệu USD (vượt 16,7% so kế hoạch). Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 91.667 tỷ đồng (vượt 6,8% so kế hoạch). Tỷ lệ đô thị hóa 60,3% (vượt 15,3% so kế hoạch). Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 0,84% (vượt 0,06% kế hoạch). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt 96% (vượt 1% kế hoạch đề ra).
Trong năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường chuyển đổi số, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đứng đầu cả nước. |
Nhận định tình hình thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn hơn cả năm 2023, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Trong nước, thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thể chế, chính sách chưa được hoàn thiện đồng bộ. Kinh tế Bắc Ninh có độ mở lớn trong khi năng lực nội tại còn thấp, phải chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài; thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp FDI gặp khó khăn; một số yếu tố lợi thế so sánh đang giảm dần vai trò; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, chi phí mặt bằng, đầu tư kinh doanh gia tăng; nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất, thuế môi trường, giải phóng mặt bằng khó khăn là những thách thức đối với sự phát triển.
Do đó cần phải tiếp tục phát huy truyền thống Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất của cả hệ thống chính quyền và người dân là định hướng hành động của tỉnh trong năm 2024. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; khắc phục khó khăn, tồn tại, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Mục tiêu trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và các quy hoạch phân khu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.