Bắc Ninh tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện “Tỉnh an toàn giao thông”
Nghiên cứu nhân rộng mô hình
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Công an về triển khai thí điểm mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”.
Là địa phương đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn thí điểm, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình này với cách làm, bước đi phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện cụ thể trên địa bàn, đạt những kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt trật tự ATGT của tỉnh, góp phần bảo vệ cuộc sống bình an của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả quan trọng đã đạt được của Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua, trong đó có những thành tích nổi bật từ mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” tại Bắc Ninh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển con người.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm trật tự ATGT. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về trật tự an toàn giao thông phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng.
Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, kết nối hài hoà các phương thức giao thông vận tải. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự ATGT.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổng kết, hoàn thiện mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”, các cơ quan nghiên cứu, tính toán, triển khai nhân rộng xây dựng mô hình với lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp tình hình, điều kiện của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, khi người dân thấy có lợi ích thiết thực thì sẽ tự nguyện, tích cực hưởng ứng, mục tiêu là tất cả các tỉnh, thành phố đều là tỉnh an toàn giao thông" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Chủ trương đúng đắn, kịp thời
Năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 87, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71 về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", gồm 6 nhóm, 57 nhiệm vụ xuyên suốt, phân công cụ thể cho từng cấp, ngành, đến tận các chi Đảng bộ cơ sở, khu phố.
|
Theo đó, Nghị quyết ban hành với 5 mục tiêu chính là: Thay đổi diện mạo tình hình trật tự an toàn giao thông; lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh; khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông. Trong đó, phải tạo chuyển biến trước hết từ hệ thống chính trị, lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo và nhân dân.
UBND tỉnh giao công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải là chủ công, trong đó, lực lượng công an là thường trực. Sau 2 ngày ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến trên sóng truyền hình tỉnh đến tận các chi đảng bộ, khu phố, thôn xóm, với 260 điểm cầu, 16.600 đại biểu và trên 300.000 người dân xem trực tiếp.
Đồng thời, tổ chức thêm hội nghị trực tuyến tới gần 1.000 điểm cầu là doanh nghiệp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp - đây là nhóm có tỷ lệ tai nạn giao thông cao ở Bắc Ninh, 70% người gây tai nạn và nạn nhân các vụ tai nạn giao thông là người tỉnh ngoài.
Qua một năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản trong xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đã hoàn thành 30 nhiệm vụ cùng với 27 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, những kết quả nổi bật phải kể đến công tác an ninh trật tự được giữ vững. Cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Đi cùng đó là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Cán bộ, đảng viên, giáo viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", tỷ lệ đảng viên vi phạm rất thấp (đài truyền hình tỉnh hàng tuần chạy chữ thông báo đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm).
Tai nạn giao thông giảm sâu, cụ thể giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương.
Không chỉ số vụ tai nạn giao thông giảm, sau một năm thực hiện Tỉnh an toàn giao thông, tổ chức giao thông được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường (lắp thêm 6.010 điểm). Có sự vào cuộc hỗ trợ của cả Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam.
Trật tự công cộng được xử lý quyết liệt, công tác tuyên truyền đã bao trùm đầy đủ các nhóm đối tượng, từ cán bộ, đảng viên, đến cơ quan, doanh nghiệp, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên, dòng họ, tăng ni, phật tử, giáo dân...
Đồng thời, đã ưu tiên các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với nhóm học sinh, sinh viên bao gồm cả phụ huynh đưa đón, để hình thành văn hóa giao thông bền vững, lâu dài trong nhiều thế hệ. Điển hình là đã nghiên cứu, xây dựng mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện gửi thông báo danh sách người vi phạm về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú; triển khai chuyển đổi trạng thái của lực lượng cảnh sát giao thông từ thủ công sang ứng dụng công nghệ: Hiện đang vận hành thử nghiệm Trung tâm thông tin chỉ huy công an tỉnh, bao gồm cả số điện thoại 113, 114 kết nối với hệ thống camera toàn tỉnh.
Công tác tuần tra, xử lý vi phạm tăng cao so với trước khi thực hiện Tỉnh an toàn giao thông, xử phạt 45.401 trường hợp, với số tiền 103,5 tỷ (tăng 101% so với trước khi xây dựng Tỉnh an toàn giao thông). Riêng xử phạt nồng độ cồn 15.067 trường hợp (tăng 146%), xử phạt tốc độ 5.654 trường hợp, tăng hơn 5 lần. Trên địa bàn không có xe cơi nới thành thùng.
Trấn áp mạnh đối với các đối tượng thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng, các đối tượng tụ tập, tàng trữ, sử dụng dao kiếm, vũ khí thô sơ… gây rối trật tự công cộng, theo đó có 372 đối tượng bị bắt.
Để thực hiện tốt Tỉnh an toàn giao thông, Trung tâm thông tin chỉ huy công an tỉnh được đầu tư theo mô hình của Trung tâm giám sát cấp 2 theo quy định tại Thông tư số 75 của Bộ Công an quy định về hệ thống giám sát. Trung tâm khai thác đồng thời 2 hệ thống camera: Hệ thống camera do UBND tỉnh Bắc Ninh đầu tư và hệ thống camera do Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Toàn Cầu (GTEL) triển khai thí điểm tại Công an tỉnh Bắc Ninh.
Qua đó, đã phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung, trong đó có công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đấu tranh phòng, chống tội phạm và một số hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an.
Những kết quả trên có thể khẳng định việc ban hành Nghị quyết 87 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Kế hoạch số 71 của UBND tỉnh về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.