Bản lĩnh và tâm thế Việt Nam
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - Dấu ấn thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc
Vươn lên trong gian khó
Từ trong đại dịch Covid-19 với những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt kinh tế, xã hội bởi chưa có một kinh nghiệm tiền lệ nào để điều hành cũng như xử lý. Trong thời điểm cam go đó, Chính phủ đưa ra chủ trương đúng đắn, đó là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bình ổn kinh tế, đã tạo ra bước chuyển cho tư duy điều hành, góp phần đáng kể vào sức tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Chính phủ và các cơ quan liên quan tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá lại những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các địa phương cũng đề xuất tăng độ bao phủ vắc xin, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, đa số các địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết số 128.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, từ Nghị quyết 128, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, giải trí online ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.
Nghi lễ chào cờ trước Lăng Bác
Về tổng thể, năm 2021 các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh; lượng dự trữ ngoại hối tăng cao; tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát… Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong lĩnh vực du lịch, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” như năm 2018, 2019; một số địa chỉ được vinh danh là “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á”, “Điểm tham quan hàng đầu châu Á”, “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” và Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.
Những thành công có được là nhờ sự chỉ đạo thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, phân công, phân cấp, phân quyền, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Kết quả trên càng có ý nghĩa to lớn khi chúng ta phòng, chống dịch trong điều kiện nhiều loại vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vaccine trong nước chưa hoặc không sản xuất được, phải nhập khẩu trong khi nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.
Theo dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, với “giải pháp đủ mạnh”, “thời gian đủ dài”, “quy mô đủ lớn”, Việt Nam sẽ tập trung vào tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách hành chính, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, với tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP... trong năm 2022.
Khẳng định tâm thế Việt Nam
Trong đại dịch Covid-19 đầy gian nan, việc ổn định kinh tế vĩ mô giảm lạm phát tới mức thấp đã là kỳ tích của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, song không vì “vòng nguyệt quế” đó mà chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục ổn định và phát triển đất nước, bởi trước mắt còn nhiều thách thức khó khăn. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 11 tháng năm nay, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, “mức tăng thấp nhất” kể từ 2016.
Với nền kinh tế mở như Việt Nam, lạm phát thấp là tín hiệu xấu, không nên mừng, nhất là CPI lại tăng với “mức tăng thấp nhất” trong 5 năm qua. CPI chỉ tăng 1,84%, thấp xa so với “chỉ tiêu” 4% của Quốc hội là tín hiệu đáng lo.
Lý do là cả tổng cầu và tổng cung trong nền kinh tế đều giảm sâu, nói cách khác, lạm phát thấp do nền kinh tế suy yếu gây ra. Lạm phát thấp trong bối cảnh rất bất thường, các chuỗi cung ứng đứt gãy, sản xuất và lưu thông đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn dưới tác động tiêu cực của phòng, chống đại dịch Covid-19, chứ không phải thấp trong điều kiện kinh tế bình thường.
Tòa nhà Landmark 81 được xem là công trình thế kỷ của cả đất nước Việt Nam
Chẳng hạn, chưa bao giờ có tình trạng sức mua giảm sâu, liên tục như mấy tháng qua. Tháng 7 giảm 19,8%; tháng 8 giảm 31,3%; tháng 9 giảm 28,4%; tháng 10 giảm 19,5%; tháng 11 giảm 12,2% , đều so cùng kỳ. Đây là điều chưa từng có với nước ta vì sức mua luôn tăng 9-10% trong điều kiện bình thường.
Hơn nữa, chưa bao giờ có tình trạng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế chậm như vừa rồi, vòng quay của cung tiền giảm mạnh (trước đây khoảng 2 lần, trong năm nay chỉ khoảng 1 lần). Đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI… đều giảm.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới mà nước ta có quan hệ làm ăn mật thiết đã bắt đầu đối mặt với lạm phát. Lạm phát của Mỹ tăng cao kỷ lục tới 6,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ, tiếp tục giữ mặt bằng cao từ tháng 6 trở lại đây. Tỷ lệ lạm phát của khu vực EU được dự báo sẽ đạt đỉnh 2,6% năm nay trước khi giảm nhẹ vào năm 2022.
Các y bác sĩ bệnh viện dã chiến hát cùng nghệ sĩ
Các chuyên gia tính toán, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ về tăng trưởng GDP là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%. Tuy vậy, cho đến nay dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng năm 2022 cũng chỉ là 6,5%. Yêu cầu và áp lực là chưa từng có đối với việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021- 2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030. Trong khi đó, kể từ đầu năm, khi tiến độ phủ vaccine chống Covid-19 được đẩy nhanh, phần lớn các nước trên thế giới đã bắt đầu phục hồi kinh tế với những mức độ khác nhau nhưng nền kinh tế chúng ta vẫn còn giảm sâu. Thực tế đó đặt ra, trong năm Nhâm Dần 2022, bắt buộc chúng ta phải tận dụng được những lợi ích và lợi thế do phục hồi kinh tế thế giới tạo ra.
Bước vào ngưỡng cửa mùa Xuân với bao thách thức, nhưng chúng ta đã từng bước tạo được thế chủ động để ổn định trong bối cảnh bình thường mới. Sự đoàn kết trên dưới một lòng, sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, địa phương và hơn nữa là với bản lĩnh Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống quật cường bất khuất, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua mọi đau thương, viết tiếp bản hùng ca, khẳng định tâm thế vững vàng trong những năm tiếp theo của thập niên mới.
ĐÔNG PHONG