Biến đổi khí hậu khiến các đại dương “dữ tợn” hơn
Dựa trên dữ liệu được truy xuất từ tổng cộng 31 vệ tinh khác nhau trong giai đoạn từ năm 1985 - 2018, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay về sóng và gió biển. Các chuyên gia phát hiện nơi diễn ra thay đổi lớn nhất là Nam Đại Dương, với tốc độ gió dữ tăng lên thêm 5,3 km/giờ, độ cao của sóng lớn tăng thêm 30 cm, hay 5% trong cùng thời kỳ. Sức gió mạnh hơn cũng diễn ra ở vùng xích đạo ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cũng như Bắc Đại Tây Dương, với số liệu ghi nhận vận tốc gió tăng thêm 2,16 km/giờ, theo báo cáo trên chuyên san Science.
Giáo sư Ian Young, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cho hay dù các thống kê 5% cho sóng biển và 8% đối với gió biển tạo cảm giác không quá đáng kể, nhưng nếu tiếp tục xu hướng này, kết hợp với viễn cảnh thay đổi khí hậu, mức độ ảnh hưởng sẽ vô cùng nghiêm trọng. Những cơn cuồng nộ của đại dương sẽ xảy ra thường xuyên hơn và mức độ tàn phá cũng dữ dội hơn, làm tăng nguy cơ gây ngập lụt vùng duyên hải và làm trầm trọng hơn tình trạng xói mòn bờ biển, từ đó đe dọa các khu vực dân cư.
Gerd Masselink, giáo sư của Đại học Plymouth (Anh) đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Australia, đồng thời cho rằng nó đã phản ánh thực tế diễn ra trong 10 năm qua. “Khu vực duyên hải đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những thay đổi của sóng và gió biển”, lời Giáo sư Masselink. Ông cho hay bão tố ngày càng chết chóc hơn trước và tình hình càng thêm tệ hại vì tình trạng này đi cùng với hiện tượng nước biển dâng cao. “Thay đổi khí hậu có thể đóng vai trò khiến các đại dương dữ tợn hơn”, theo Giáo sư Ian Young.
Linh Đức