“Bộ não” riêng của tim người
Từ trước đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng tim hoạt động dưới sự điều khiển của hệ thần kinh tự chủ, truyền tín hiệu từ não bộ. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy, tim có một hệ thần kinh riêng phức tạp, đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát nhịp đập.
"Bộ não nhỏ' này có vai trò quan trọng trong việc duy trì và kiểm soát nhịp tim, tương tự như cách não bộ điều chỉnh các chức năng nhịp điệu như vận động và hô hấp," ông Konstantinos Ampatzis, trưởng nhóm nghiên cứu tại Khoa Khoa học Thần kinh, Viện Karolinska giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được nhiều loại nơ-ron trong tim với các chức năng khác nhau, trong đó có một nhóm nhỏ nơ-ron có đặc tính tạo nhịp. Phát hiện này thách thức quan điểm hiện tại về cách thức điều khiển nhịp tim.
“Bộ não” riêng của tim người |
"Chúng tôi ngạc nhiên trước độ phức tạp của hệ thần kinh trong tim", ông Ampatzis chia sẻ. "Hiểu rõ hơn về hệ thống này có thể mang lại những hiểu biết mới về bệnh tim và giúp phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh như rối loạn nhịp tim."
Nghiên cứu được thực hiện trên cá ngựa vằn, vốn có nhịp tim và chức năng tim mạch tương đồng với người. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ thành phần, tổ chức và chức năng của các nơ-ron trong tim bằng cách kết hợp nhiều phương pháp như giải trình tự RNA đơn bào, nghiên cứu giải phẫu và kỹ thuật điện sinh lý.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cách “bộ não tim” tương tác với não bộ để điều chỉnh chức năng tim trong các điều kiện khác nhau như tập thể dục, căng thẳng hoặc bệnh tật," ông Ampatzis cho biết. "Mục tiêu của chúng tôi là xác định các đích điều trị mới bằng cách xem xét những rối loạn trong mạng lưới thần kinh của tim góp phần gây ra các bệnh tim khác nhau như thế nào".
Trước đây, các nhà khoa học đã biết đến một bộ phận khác trong cơ thể người có "bộ não" riêng - đó chính là hệ tiêu hóa. Hệ thống này hoạt động thông qua một mạng lưới phức tạp được gọi là hệ thần kinh ruột (enteric nervous system - ENS). Do có khả năng hoạt động độc lập với hệ thần kinh trung ương và sở hữu những chức năng đặc biệt, ENS thường được gọi là "bộ não thứ hai" của cơ thể người./.