Bộ TNMT yêu cầu Thái Bình làm rõ việc định “xóa sổ” Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải
Văn bản nêu, Khu Bảo tồn Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha, sau đó được chuyển tiếp thành Khu Dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ TN&MT về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn. Đồng thời, Khu bảo tồn Tiền Hải là Di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20, Luật BVMT và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Theo thông tin phản ánh của báo chí, Khu bảo tồn Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha theo Quyết định số 731/QĐ- UBND của UBND tỉnh Thái Bình. Để làm rõ vấn đề này, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải. Thông tin gửi về Bộ TN&MT trước ngày 25/8/2023.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải |
Trước đó, ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, còn gọi là Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo Quyết định, quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320 ha, giảm gần 90% quy mô diện tích Khu bảo tồn được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thái Bình. Việc thu hẹp quy mô khu bảo tồn nhằm mục đích phục vụ quy hoạch khu kinh tế Thái Bình, trong đó có Dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.
Quyết định này được các chuyên gia môi trường nhận định đi ngược với các quy hoạch về rừng đặc dụng, về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, đi ngược các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước Ramsar, Công ước đa dạng sinh học, Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặc biệt là cam kết NetZero vào năm 2050.
Ngoài ra, Quyết định số 731/QĐ-UBND cũng thu hẹp đáng kể diện tích rừng ngập mặn của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với khoảng hơn 370 ha sẽ bị chuyển đổi. Trong khi đó, việc trồng và giữ rừng ngập mặn rất khó khăn và tốn kém, để trồng mới 1 ha rừng ngập mặn mất từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Ở những vùng lập địa khó thì phải cần thêm chi phí gây bồi, tạo bãi, làm kè, trung bình khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có những nơi mất 500 - 600 triệu đồng cũng chưa chắc đã trồng được, bởi rừng ngập mặn chỉ thích hợp với những khu vực có bãi bồi rộng, nhiều phù sa.
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, mỗi năm Việt Nam chỉ trồng mới được khoảng 3.000 ha rừng ngập mặn trên toàn quốc, chủ yếu tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại miền Bắc, chỉ một số vùng ven biển có thể trồng được mặn, trong đó có khu vực Tiền Hải của tỉnh Thái Bình.