Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm mô hình bác sĩ gia đình tại Thổ Nhĩ Kỳ
Là một quốc gia với hơn 70 triệu dân, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua những khó khăn thách thức trước khi tiến hành cải cách hệ thống y tế một cách thành công và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một mô hình y tế đáng chia sẻ và học tập. Trong đó, mô hình bác sĩ gia đình là một điểm sáng của ngành y tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bác sĩ gia đình được đào tạo theo hệ đa khoa và làm việc ở trung tâm y tế xã, trong số đó, 80% các bác sĩ gia đình làm việc cho các cơ sở y tế công lập, 20% làm việc cho các cơ sở y tế ngoài công lập. Trung tâm bác sĩ gia đình có các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khá toàn diện, từ tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đến sàng lọc ung thư... Tại các trung tâm này, bác sĩ gia đình khám bệnh, kê đơn thuốc và yêu cầu xét nghiệm khi cần thiết. Các bệnh phẩm xét nghiệm được gửi đến các trung tâm xét nghiệm tuyến tỉnh/thành phố đối với các khu vực đô thị và gửi đến bệnh viện đa khoa tuyến huyện đối với khu vực nông thôn để phân tích và cho kết quả.
Các hoạt động khám chữa bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ được gắn kết chặt chẽ với hệ thống bảo hiểm y tế, các dịch vụ y tế được bảo hiểm y tế chi trả, do đó người dân được miễn phí hoàn toàn khi sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế. Một điểm khác biệt đáng lưu ý trong hệ thống y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đó là không có nhà thuốc tại các bệnh viện. Đơn thuốc do các bác sĩ kê được thực hiện tại các hiệu thuốc, chi phí sẽ do bảo hiểm thanh toán nên người mua cũng không phải trả tiền tại quầy thuốc.
Được biết, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh/thành phố. Từ kinh nghiệm đã học hỏi về mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, Bộ Y tế Việt Nam sẽ triển khai, nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình với một số chính sách kèm theo, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm cả dự phòng và điều trị một cách gần dân và hiệu quả nhất.
Phạm Hằng