Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Sẽ sớm hiện thực hóa các mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. |
Phóng viên: Trước hết, xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khát khái quát về tình hình vùng biển trên địa bàn hiện nay của mình quản lý như thế nào?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Tỉnh Bạc Liêu với điều kiện tự nhiên, có chiều dài bờ biển trên 56km, có trên 10.000 ha bãi bồi ven biển, cùng vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.700km2; có nhiều cửa biển lớn như: Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng và Vĩnh Hậu... tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo kết hợp với du lịch sinh thái... Ngoài ra, còn thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa và cấp thoát nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; bãi bồi ven biển thích hợp để nuôi các loài nhuyễn thể. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh 150.902 ha, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 749 tàu cá khai thác thủy sản.
Phát huy tiềm năng lợi thế trên, trong năm 2024 tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản theo hướng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Kết quả sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 432.172tấn đạt 100% so với kế hoạch; sản lượng khai thác 122.554 tấn, đạt 102,64% so với kế hoạch; sản lượng nuôi nghêu, sò huyết khu vực bãi bồi ven biển đạt 4.300 tấn.
Phóng viên: Từ điều kiện tự nhiên và tài nguyên sinh vật biển, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, tỉnh đã có những chủ trưởng, giải pháp như như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Khép lại năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và có bước phát triển khá tốt. Nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai tích cực. Tỉnh đã xác định 5 trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 3 trụ cột chính là: Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch vùng ven biển.
Tỉnh Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh các dự án điện gió ngoài khơi xa. |
Với trên 56 km bờ biển, hiện nay chúng tôi đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản. Theo đó, tỉnh luôn hỗ trợ hết mình các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu, các dự án nguồn điện và lưới điện khác đã được phê duyệt. Đồng thời, xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các dự án điện gió theo Quy hoạch điện VIII, với tổng công suất 550MW. Thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh các nhóm sản phẩm xuất khẩu có lợi thế, có tiềm năng như tôm, gạo, muối...
Cùng với đó, tỉnh phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, với quyết tâm rất cao xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch. Đẩy mạnh sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển giảm khai thác; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là tại vùng ven biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Bạc Liêu phấn đấu năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân từ 9,5 đến 10,5%/năm. Quy mô GRDP ở năm 2030 cao hơn từ 3,5 đến 4 lần so năm 2020. GRDP bình quân trên người đạt 187 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng từ 17 - 18%/năm. Đồng thời, tỉnh chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng, đánh bắt và chế biển các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là con tôm. Hiện nay, diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh lên tới 146.900 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh 33.000 ha. Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt địa phương là một trong các tỉnh có diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện nay.
Phóng viên: Việc phát triển kinh tế biển còn có vướng mắc và những hạn chế như thế nào, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Bên cạnh những thuận lợi cũng như kết quả đạt được, cũng phải thừa nhận rằng, tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về phát triển kinh tế biển còn rất lớn. Cụ thể, hiện nay tỉnh chưa có nhiều nhà máy chế biến thủy sản với công suất lớn, hiện đại. Sản lượng chế biến mới đạt khoảng 80.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng tôm 420.000 tấn/năm của toàn tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh mời gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản, góp phần của với tỉnh xây dựng “thương hiệu tôm Bạc Liêu” mang tầm quốc gia và quốc tế...
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm, kiểm tra quy trình sản xuất “thương hiệu tôm Bạc Liêu” . |
Ngoài thế mạnh về thủy sản, Bạc Liêu đang rất chú trọng lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tỉnh đang phối hợp chặt chẽ các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh các dự án điện gió ngoài khơi xa. Nhất là dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, với công suất 3.200 MW và các dự án khác đã được Trung ương phê duyệt. Theo đó, tỉnh tiến hành xây dựng lộ trình thực hiện các dự án điện gió theo Quy hoạch điện VIII, với tổng công suất 550MW, phấn đấu đến năm 2030 đưa Bạc Liêu thật sự trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển...
Phóng viên: Theo đồng chí thì thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào vấn đề gì để đạt các mục tiêu đề ra?
Đồng chí Phạm Văn Thiều: Để sớm đạt được các mục tiêu quan trọng nêu trên, chúng tôi rất quan tâm chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, trọng dụng nhân tài. Đồng thời, quyết tâm rất cao xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện về kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm và là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Tỉnh rất quyết liệt trong việc đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, thật sự làm nền tảng để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành kinh tế khác...
Cánh đồng muối tại Bạc Liêu. |
Nhằm xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành mạnh từ biển, giàu về biển, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cụ thể. Trước hết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời có chính sách rất cụ thể, rõ ràng, thông thoáng, thật sự “trải thảm đỏ” mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, chúng tôi ưu tiên những tập đoàn kinh tế lớn, thật sự có tiềm lực kinh tế, có khoa học - công nghệ cao, có đủ năng lực thực hiện những dự án lớn, trọng điểm, nhất là những dự án điện gió, điện khí ngoài khơi...
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục quan tâm thực hiện quyết liệt khâu đánh giá, lựa chọn và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, vì cán bộ, công chức, viên chức là khâu hết sức quan trọng. Chúng tôi có chính sách quan tâm trọng dụng nguồn nhân lực, nhất là những cán bộ đủ đức và tài. Kiên quyết loại những cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, thiếu đức, thiếu tâm và tầm, những cán bộ, công chức kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Mặt khác, quan tâm, khuyến khích và trọng dụng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vụ công việc chung, vì sự phát triển của quê hương Bạc Liêu, vì nhân dân, vì danh dự và vị thế của mảnh đất, con người Bạc Liêu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...
Diêm dân Bạc Liêu trên những cánh đồng muối. |
Với tinh thần và trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến cán bộ ở cơ sở phải cùng chung sức, đồng lòng, có ý chí và khát vọng vươn lên, có trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, tôi tin tưởng Bạc Liêu sẽ sớm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, sớm trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh ...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!