Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ bỏ khai báo y tế
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19, sáng 26/4.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian tới sẽ bỏ khai báo y tế phòng chống dịch Covid-19, hiện Cục Y tế Dự phòng đang xây dựng các hướng dẫn.
"Việt Nam không còn áp dụng truy vết dịch tễ và đang trở lại cuộc sống bình thường, vì vậy không còn áp dụng khai báo y tế nội địa", ông Long nói.
Người dân khai báo y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài.
Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương từng bước thực hiện quá trình bình thường hóa, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vào thời điểm nào có thể bỏ khai báo y tế.
Từ khi Covid-19 xuất hiện, khai báo y tế là một trong 5 biện pháp phòng dịch đơn giản nhưng hữu hiệu, còn gọi thông điệp 5K (gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Thông điệp này 2 năm qua không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà phổ biến cả thế giới.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu việc đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Không còn trong nhóm này, Covid-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành thông thường, một số biện pháp về phòng, chống dịch bệnh cũng như thông điệp 5K vẫn đang áp dụng hiện nay sẽ được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm Bộ Y tế sẽ triển khai việc này.
Trước đó, nhiều chính sách chống dịch đã được thay đổi. Đơn cử như ngày 15/4, Bộ Y tế điều chỉnh quy định, không cách ly F1, chỉ cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. F0 vẫn cần cách ly và có thể đi làm nếu thực sự cần thiết và tự nguyện.
Bộ Y tế cũng đang xác thực thông tin tiêm chủng với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để cấp hộ chiếu vaccine cho toàn dân. Đây là một bước nhằm mở cửa du lịch trong bối cảnh thích ứng Covid-19. Sở Y tế TPHCM quyết định nới kiểm tra y tế với khách nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, bỏ qua khâu kiểm tra với người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 25/4/2022, cả nước đã tiêm được hơn 212,6 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin khoảng 205 triệu mũi tiêm; vẫn còn khoảng 7,6 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống (bao gồm các đối tượng công an, quân đội và người dân).
Một trong hai kịch bản chống dịch trong thời gian tới được ngành y tế đưa ra là biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.
HOA HOÀNG