Cần Thơ: Nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản bảo vệ môi trường
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn; tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quản lý nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả hơn, đảm bảo cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố phát triển một cách bền vững.
Theo Kế hoạch, quận Ninh Kiều tổ chức Lễ thả cá vào sáng ngày 01/4/2024 tại Bến tàu du lịch Ninh Kiều 2, phường Tân An. Các quận Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh khảo sát chọn địa điểm thả cá. Dự kiến tổ chức thả cá từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4/2023 (tùy tình hình thủy triều).
Thành phố Cần Thơ nằm ở trong vùng trung - hạ lưu và ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên 65 km dọc bờ Tây sông Hậu. Nguồn lợi thủy sản ở Cần Thơ được đánh giá cao về số lượng, sản lượng với nhiều loài, giống có giá trị kinh tế cao.
Những năm qua, do nhiều nguyên nhân, nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt nên Cần Thơ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tái tạo. Như trong tháng 9/2023, UBND thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ đã phối hợp tổ chức thả hơn 11 tấn cá với số lượng hơn 1 triệu xuống sông Hậu nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Phạm Trường Yên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết: bên cạnh sự phát triển vượt bậc của nghề nuôi trồng thủy sản thì nguồn lợi thủy sản và đa dạng thành phần thủy sản có xu hướng giảm do môi trường sinh thái tự nhiên bị tác động bởi nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm, hoạt động khai thác nguồn lợi,...
Nhiều năm qua, thành phố Cần Thơ đã phấn đấu từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Khởi điểm từ năm 2013, chỉ có hai điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ với số lượng khoảng vài trăm kg cá giống, đến nay đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố với lượng cá giống thả mỗi năm từ 10 - 15 tấn, tăng gấp 30 lần so với ban đầu.
Qua hơn 10 năm phát động, phong trào thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã tạo ở sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Từ đó, một số loài cá bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng dần được phục hồi và phát triển như: cá hô, cá bông lau, cá thác lác cườm, cá cóc,...
Theo ông Yên, sự kiện thả cá giống sắp tới sẽ diễn ra nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959). Đây là một trong những biện pháp phục hồi, tái tạo nguồn thủy sản đang bị suy giảm ngoài tự nhiên và luôn được các cơ quan Trung ương, địa phương quan tâm thực hiện hằng năm, sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni, phật tử. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời, kêu gọi chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cho chúng ta và cho thế hệ mai sau…
Ngành chức năng thả cá giống xuống sông Hậu để tái tạo nguồn lợi thủy sản. |